Trong vòng 2 ngày nay, số người nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam đột ngột tăng cao, mỗi ngày đều ghi nhận thêm hơn 150 ca nhiễm mới.

Ngày 29/8, số bệnh nhân nhiễm mới cao kỷ lục từ đầu mùa dịch đến nay với 157 bệnh nhân. Ngày 30/8, con số bệnh nhân giảm không đáng kể, với 152 người nhiễm mới.

Mô tả ảnh.
Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 (Ảnh minh họa: Phạm Hải)

 Toàn bộ số bệnh nhân này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam. Miền Bắc, miền Trung ghi nhận các ca nhiễm rải rác. Tây Nguyên sau một vài ngày dịch có dấu hiệu chững lại thì mấy ngày trở lại đây, số bệnh nhân tiếp tục tăng lên. Ngày 29/8, Tây Nguyên không có ca nhiễm mới nào, nhưng ngày 30/8, có tới 18 ca.

Trong tuần qua (từ 23-30/8), cả nước ghi nhận 825 trường hợp mới nhiễm cúm A/H1N1. Tuần trước (từ 15-22/8), cả nước ghi nhận 533 ca nhiễm mới. Như vậy, số bệnh nhân của tuần này đã tăng cao hơn gần 300 người so với tuần trước.

Trong khi đó, dịch cúm A/H1N1 trong trường học tại Hà Nội đang có xu hướng chững lại. Tại ổ dịch lớn nhất là Trường THCS Thạch Bàn không có học sinh mới nào nhiễm cúm kể từ ngày 26/8 đến nay.

Ông Nguyễn Trí Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn bộ 18 em học sinh dương tính đã xuất viện. 18 em nghi ngờ cũng được xác định âm tính với cúm. Hoạt động của trường sẽ trở lại bình thường vào ngày mai”.

Còn tại Trường THPT Dân lập Lomonnoxop, ông Lê Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Kể từ ngày 28/8, trường có 16 học sinh có biểu hiện sốt và ngay lập tức đã được cách ly tại nhà. Đến hôm nay, chúng toi chưa nhận được thông báo nào liên quan đến việc học sinh trường mình nhiễm cúm A/H1N1. Các hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường”.

Trường học ngoại thành, nông thôn “tay không chống cúm”

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Trong tuần qua, đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại 13 trường học ở Hà Nội và Thái Nguyên”.

Điều đáng lo sau đợt thanh tra này là các trường học ngoại thành, khu vực nông thôn đang gặp nhiều khó khăn trong phòng chống cúm.

Cụ thể: Do ở xa trung tâm nên các trường này không thể mua khẩu trang y tế phòng dịch đáp ứng đủ nhu cầu vì các hiệu thuốc trên địa bàn không bán; ở các trường nông thôn điều kiện vệ sinh rất kém, cơ sở vật chất không đảm bảo, bếp ăn không có hoặc nếu có cũng không đạt yêu cầu vệ sinh; một số cán bộ y tế chưa được tập huấn phòng chống, phát hiện và xử lý khi có dịch cúm .

Các trường khu vực nội thành hầu hết thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ Y tế.

Theo Cẩm Quyên (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *