Nguồn cung lớn đang đặt ra yêu cầu đối với công tác điều hành xuất khẩu gạo phải hết sức thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá cả.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tổng lượng gạo xuất khẩu tính đến ngày 3/6/2009 đạt gần 2,8 triệu tấn, giá trung bình đạt 411,52 USD/tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 51% về lượng và 28% về giá trị (FOB) so với cùng kỳ năm 2008. Đây là mức xuất khẩu cao nhất kể từ trước tới nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu gạo còn có thể tăng cao hơn nữa, nếu điều hành xuất khẩu tập trung đẩy mạnh trong những tháng đầu năm.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp cho rằng, việc dự báo thị trường thiếu chặt chẽ, dẫn đến không tận dụng được cơ hội giá tốt. “Ở thời điểm giá gạo lên tới 460 USD/tấn, thì không ký hợp đồng xuất khẩu, hiện giá chỉ còn 400 USD/tấn (lúa cấp thấp chỉ còn 380 USD/tấn)”, ông Dương nói và cho rằng, với lượng gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm chỉ còn 1,4-1,6 triệu tấn, nếu không tăng chỉ tiêu xuất khẩu, thì lượng gạo tồn kho sẽ tăng cao.

Tính toán cho thấy, tổng sản lượng lúa năm 2009 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt 20,7 triệu tấn, sau khi cân đối nhu cầu tại chỗ, còn khoảng 10,2 triệu tấn, quy gạo hàng hóa khoảng 5,2 triệu tấn.

Cộng thêm lượng gạo tồn kho trong DN (1,377 triệu tấn: Tổng công ty Lương thực miền Bắc 130.000 tấn, Tổng công ty Lương thực miền Nam 592.000 tấn, các DN khác 655.000 tấn), lượng gạo các DN đã mua vào trong 5 tháng đầu năm (3,523 triệu tấn) và 800.000 tấn tồn từ năm 2008, như vậy, tổng lượng gạo tồn trong kho các DN là 4,3 triệu tấn.

Lo ngại tồn kho tăng cao, nhiều địa phương kiến nghị tăng chỉ tiêu xuất khẩu lên 5,5- 6 triệu tấn gạo trong năm nay. Trước kiến nghị của các địa phương về sự bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA khẳng định, VFA hướng dẫn đăng ký hợp đồng xuất khẩu và không có chuyện hạn chế địa phương xuất khẩu.

Không đồng tình với ý kiến trên, ông Văn Hà Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, gần 1 tháng nay, DN hầu như không thu mua lúa trong dân, khiến bà con nông dân gặp khó khăn. Ông kiến nghị, cần có cơ chế mua tạm trữ ngay trong thời điểm này để bình ổn giá cho nông dân, vì không tiêu thụ được sẽ không thúc đẩy sản xuất, ảnh hưởng đến chính sách kích cầu của Chính phủ.

Thị trường diễn biến khó lường

Ông Trương Thanh Phong cảnh báo, thị trường thế giới những tháng cuối năm diễn biến khó lường, do một số nước đang có kế hoạch xuất khẩu gạo dự trữ với số lượng lớn, do đó giá cả sẽ có biến động. “Mặc dù châu Phi có nhu cầu nhập khẩu, nhưng họ không mua cấp tập.

Hơn nữa, hiện các DN Việt Nam đang tồn kho 500.000 tấn gạo (từ năm 2008) chưa xuất được, mà giá thời điểm các DN mua vào là 580 USD/tấn, nên phải dè chừng”, ông Trương Thanh Phong khuyến cáo và cho biết, Thái Lan có kế hoạch bán ra 3,8 triệu tấn gạo, nhưng tại đợt đấu thầu tổ chức mới đây, giá bỏ thầu của các DN quá thấp (chỉ ở mức 380-420 USD/tấn), nên Thái Lan tạm thời chưa bán.

Tương tự, Ấn Độ cũng dự kiến bán ra 2 triệu tấn gạo, trong đó đợt đầu là 1 triệu tấn, song kế hoạch này đang tạm ngưng do vừa qua nước này xảy ra bão lũ và hạn hán… Riêng với thị trường Trung Quốc đặc biệt khó dự báo, trong trường hợp nước này nhập khẩu gạo, thì thị trường sẽ biến động rất mạnh.

Điều hành cẩn trọng

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho hay, dự báo năm 2009, các nước cung cấp ra thị trường 48 triệu tấn lương thực các loại, nhưng nhu cầu tiêu thụ chỉ vào khoảng 43 triệu tấn. Cung vượt cầu quá lớn, nên việc điều hành phải hết sức thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá cả.

Việc xuất khẩu những tháng tới ưu tiên DN tại các vựa lúa, ưu tiên DN có hợp đồng thanh toán ngay, đồng thời thương thảo khách hàng giãn tiến độ giao hàng. Ông Biên cũng cho rằng, chưa đến mức phải phân bổ chỉ tiêu, vì như vậy việc điều hành xuất khẩu sẽ thêm manh mún, phức tạp.

Ở góc độ quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo sát sao hơn về cơ cấu giống, hạn chế tỷ lệ lúa chất lượng thấp, gây bất lợi cho việc xuất khẩu, đồng thời cần rà soát số lượng chính xác lượng gạo của DN cũng như trong dân và cân nhắc thời điểm mua tạm trữ.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, việc điều hành xuất khẩu gạo là trên cơ sở thực tế. Chính phủ chưa bao giờ hạn chế xuất khẩu, mà căn cứ năng lực thị trường, bốc dỡ, vận tải, cơ sở hạ tầng… từng giai đoạn để quyết định.

Về phương án mua tạm trữ lúa gạo, Phó thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương và giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đánh giá, nêu đề xuất với Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu Bộ NN&PTNT xác định rõ đâu là nút thắt trong tiêu thụ lúa gạo để báo cáo Chính phủ, tìm giải pháp tốt nhất cho xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm…

Theo Việt Hùng (Đầu tư VIR)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *