Bên bờ hạnh phúc
Binh sỹ Israel Gilad Shalit

Tuần qua, với vai trò trung gian của Ai Cập, chính quyền Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đang kiểm soát Dải Gaza đã ký kết thỏa thuận phóng thích hơn 1.000 tù nhân Palestine để đổi lấy binh sỹ Gilad Shalit. Như vậy, một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai phía đã được giải quyết và theo giới phân tích, điều đó mở ra hy vọng mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn đã đình trệ trong hơn 1 năm qua. 

Binh sỹ Israel Gilad Shalit bị các tay súng Hamas bắt cóc trong một cuộc đột kích xuyên biên giới vào năm 2006. Từ đó đến nay, nhiều cuộc thương lượng nhằm giải cứu cho quân nhân này đã được tiến hành nhưng đều thất bại. Người thân của Shalit đã từng phát động một chiến dịch lâu dài để kêu gọi chính quyền Tel Aviv hành động cho sự tự do của anh ta. Chính vì thế, thỏa thuận vừa qua với nhóm Hamas đã nhận được sự hoan nghênh của đông đảo quan chức và người dân Israel. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảm ơn chính quyền Ai Cập về vai trò trung gian và việc đảm bảo thực thi thỏa thuận trao đổi binh sỹ Shalit. Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak thì ngay lập tức lên tiếng chúc mừng gia đình quân nhân Shalit khi anh sắp được phóng thích. 

Về phía Palestine, hàng ngàn người đã xuống đường ở Dải Gaza để bày tỏ sự vui mừng khi sắp đón người thân trở về đoàn tụ. Trong khi đó, thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal – đang sống lưu vong ở Syria – đã lên tiếng hoan nghênh bản thỏa thuận và xem đây là một thắng lợi đối với nhân dân Palestine. 

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, Israel chọn thời điểm này để ký kết thỏa thuận trao đổi tù nhân với Hamas là bởi một số nguyên nhân. Thủ tướng Netanyahu có thể đang tìm kiếm sự ủng hộ trong nước sau hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn trong thời gian qua nhằm phản đối chi phí cuộc sống đắt đỏ, đòi cải cách kinh tế, và đòi hỏi công bằng, dân chủ.

Ngoài ra, Israel có vẻ đang ở tình thế bị động và ngày càng bị cô lập trong khu vực. Do đó, đổi rất nhiều tù nhân Palestine chỉ để giải cứu binh lính Gilad Shalit là cách khả dĩ nhất giúp ông Netanyahu tranh thủ dư luận trong nước và hy vọng có được sự đồng thuận nội bộ cho những bước đi tiếp theo. Đó cũng là cách để nhà lãnh đạo này đề cao vai trò của Ai Cập và Liên minh châu Âu EU. Cơ quan tình báo Ai Cập luôn đóng vai trò chủ yếu đối với thành công của vụ trao đổi còn EU thì thường xuyên thúc giục Israel đáp ứng yêu cầu của Hamas để giải cứu Gilad Shalit. 

Theo giới chuyên môn, ông Netanyahu muốn dùng bước đi này để tạm thời hóa giải những bất lợi mới hình thành đối với Israel và sự nghiệp chính trị của mình, đồng thời tìm kiếm đồng minh trong lẫn ngoài nước. Do đó, việc trao đổi tù nhân Palestine và binh sỹ Shalit chưa hẳn có nghĩa là Israel và ông Netanyahu đã thay đổi quan điểm hay chính sách đối với nhóm Hamas. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nó vẫn tác động tích cực tới toàn bộ quan hệ Israel – Palestine, và là một nhân tố tích cực đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Phúc Châu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *