Bên bờ hạnh phúc

Giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao ngày càng trở thành đề tài nóng bỏng ở hầu khắp các khu vực trên thế giới. Mới đây, Liên hiệp quốc lại công bố thêm số liệu cho thấy, tình trạng hạn hán kéo dài tại Đông Phi đã làm số người bị thiếu lương thực tăng nhanh kỷ lục, từ 2 triệu lên 8,4 triệu người trong năm 2011. Điều đó khiến lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực mới càng gia tăng.

Ảnh minh họa

 

Từ tháng 10 – 12/2010, lượng mưa ít đã dẫn đến khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, giá lương thực tăng cao tại những nước nghèo như Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Uganda.

Không chỉ riêng khu vực Đông Phi, mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng vì giá lương thực thực phẩm đang tăng cao kỷ lục. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thực phẩm thế giới đã leo lên mức cao kỷ lục trong tháng 2 qua do đà tăng vọt của giá sữa, ngũ cốc và thịt. Chỉ số giá của 55 loại thực phẩm đã tăng 2,2%, lên 236 điểm từ mức 230,7 điểm trong tháng 1, đánh dấu tháng gia tăng thứ 8 liên tiếp.

Kể từ đầu năm 2011, giá lúa mì cũng tăng cao chưa từng thấy tại Anh, Nga phải nhập khẩu ngũ cốc nuôi gia súc vì thiếu cỏ dự trữ cho chăn nuôi, Trung Quốc mua lúa mì và ngô với số lượng lớn từ bên ngoài do thị trường nội địa khan hiếm… Chi phí lương thực thực phẩm tăng và nạn tham nhũng đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở 1 số nước Bắc Phi và Trung Đông hiện nay.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF nhận định, chi phí lương thực thực phẩm cao sẽ tiếp tục tác động nhiều nhất đến các quốc gia đang phát triển – nơi người tiêu dùng thường xuyên chi một lượng lớn thu nhập của mình để mua thực phẩm. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, trong năm 2011 sẽ còn 900 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu ăn.

Theo Viện Nghiên cứu chính sách Trái đất, có nhiều yếu tố dẫn đến khủng hoảng lương thực như số người canh tác giảm, cầu không đủ cung, một số quốc gia tiên tiến như Mỹ đã dành ra 30% sản lượng ngô để sản xuất nhiên liệu thay vì để ăn. Ngoài ra, phải kể đến những nguyên nhân đã được nhắc tới từ lâu, đó là hiện tượng biến đổi khí hậu do thiên nhiên và do con người gây ra; đó là tình trạng nguồn nước bên dưới tầng địa chất bị cạn kiệt vì nhiều khu rừng biến mất do nạn phá rừng bừa bãi, dẫn tới đất canh tác không đủ màu mỡ để trồng trọt.

Để góp phần giải quyết tình trạng trên đây, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm: giảm sử dụng ngô để chế biến ethanol, bởi việc này không có lợi về mặt kinh tế cũng như an toàn thực phẩm; bảo vệ nguồn nước và diện tích đất canh tác khi hiện có gần nửa dân số trên Trái đất đang bị đe dọa bởi nạn thiếu nước và hạn hán; đồng thời giảm bớt tiến trình đô thị hóa.

Các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi cộng đồng thế giới tiếp tục tăng mạnh đầu tư vào nông nghiệp để tăng sản lượng lương thực toàn cầu nhằm cải thiện an ninh lương thực. Ước tính, sản lượng lương thực thế giới phải tăng 70% so với hiện nay vào năm 2050 mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của dân số thế giới sẽ tăng lên 9,1 tỷ người vào thời điểm ấy.

Minh Thanh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *