Bên bờ hạnh phúc

Sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản là một trong những tâm điểm chú ý của thế giới trong những ngày qua. Sau Chernobyl, Fukushima của Nhật Bản một lần nữa đã làm lay chuyển niềm tin của cả thế giới vào sự an toàn của năng lượng nguyên tử – nguồn năng lượng sạch khổng lồ mà nhân loại hy vọng rằng, nhờ nó mà con người chẳng bao giờ còn phải lo lắng về sự thiếu hụt năng lượng nữa.

Khói bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh chụp từ vệ tinh

 

Hiện nay, thế giới có khoảng 400 lò hạt nhân đang hoạt động tại 33 quốc gia và rất nhiều dự án xây dựng mới đã và đang được triển khai. Các cơ sở hạt nhân trên liên tục sản xuất ra nguồn điện cung cấp cho gần nửa tỷ người. Một số lớn lò hạt nhân đã được vận hành từ nhiều thập niên qua.

Tại Pháp, các nhà máy điện hạt nhân không những cung cấp gần 80% nguồn điện trong nước mà còn hòa vào mạng lưới điện toàn châu Âu để thắp sáng cho các nước láng giềng.

Hiện nay, các nước châu Âu, châu Á và Mỹ đứng trước hai vấn đề: tìm nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm ngăn chặn hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Các giải pháp đó cần đáp ứng nhu cầu vừa có thể phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm môi sinh.

Trong bối cảnh này, hạt nhân được công nhận là loại nguyên liệu sạch, hầu như không xả khí thải, đồng thời là nguồn năng lượng quan trọng phục vụ cho tiến trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay tại Nhật Bản khiến các nước cân nhắc và xem xét lại những nhà máy hạt nhân đang vận hành cũng như các dự án xây dựng nhà máy mới. Theo các nhà phân tích, sự cố tại Nhật Bản buộc các nước phải chú trọng hơn nữa các yêu cầu nghiêm ngặt khi phát triển nguồn năng lượng sạch nhưng đầy mạo hiểm này.

Thứ nhất, các quốc gia cần xây dựng và vận hành những lò phản ứng hạt nhân hiện đại, sử dụng công nghệ mới nhất, an toàn nhất và các tiêu chuẩn cấp phép cần được nâng cấp thường xuyên.

Thứ 2, các nước không nên quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Nếu một đất nước phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hạt nhân để sản xuất điện, một tai nạn hạt nhân lớn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung điện.

Thứ 3, phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân đòi hỏi các nguồn lực và hiểu biết chuyên môn. Các nhà máy mới phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết cần thiết về sự an toàn và hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng, các nhà máy có thể đứng vững trong các trường hợp khẩn cấp.

Do ảnh hưởng toàn cầu của các thảm họa hạt nhân, các nước phải đảm bảo rằng, các nhà khai thác hạt nhân có thể xử lý một cách có hiệu quả các sự cố không báo trước. Cần có thời gian mới hiểu được toàn bộ quy mô của cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản, nhưng có những bước đi có thể thực hiện ngay hôm nay để các chương trình hạt nhân của thế giới trở nên an toàn hơn.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *