Bên bờ hạnh phúc

Thỏa thuận, mang tên Hiệp ước Copenhaghen được soạn thảo trong các cuộc đàm phán ngoài dự kiến kéo dài đến lúc kết thúc hội nghị các tổng thống và thủ tướng của hơn 20 nước có nhiều ảnh hưởng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và Nam Phi, cùng một số nước châu Âu. Nội dung hiệp ước dựa trên các dự thảo thỏa thuận do các nhóm công tác của LHQ đưa ra trước đó.

Hiệp ước chỉ mang tính chính trị thuần túy và không đủ mạnh để ngăn chặn trái đất nóng lên

Hiệp ước Côpenhaghen đặt hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nhưng cao hơn đề xuất 1,5 độ C của các quốc đảo. Về quỹ hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, các nước giàu cam kết đóng góp 10 tỷ USD giai đoạn từ năm 2010-2012, và đặt mục tiêu đến năm 2020 huy động 100 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau như nhà nước, tư nhân, song phương và đa phương.

Về cơ chế kiểm chứng, Hiệp ước Côpenhaghen quy định các cam kết của các nước giàu sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ và minh bạch theo Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu UNFCCC. Các nước đang phát triển sẽ đưa ra những cam kết về cắt giảm khí thải trên tinh thần "tôn trọng chủ quyền quốc gia".

Hiệp ước Côpenhaghen không tán thành mục tiêu được các nước giàu ủng hộ là giảm một nửa khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2050, và không ấn định thời hạn chót biến thỏa thuận thành một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý.

Phát biểu với phóng viên sau hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh "sự đột phá quan trọng và chưa từng có" tại hội nghị Côpenhaghen, với việc "lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các nền kinh tế lớn đã ngồi lại với nhau để chấp nhận trách nhiệm phải hành động chống biến đổi khí hậu". Tuy nhiên, ông thừa nhận Hiệp ước Côpenhaghen "chưa đi đủ xa" và các nước vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng mục tiêu của Liên hợp quốc là hoàn tất một hiệp ước chống biến đổi khí hậu mang tính ràng buộc về pháp lý trước cuối năm 2010.

Nếu không có biện pháp tích cực, hành tinh xanh sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy diệt

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận xét Hiệp ước Côpenhaghen không phải là một văn bản hoàn hảo, nhưng là kết quả khả quan nhất, đồng thời cho biết một hội nghị cấp cao khác về chống biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức ở Đức vào giữa năm 2010.

Trong khi đó, nhiều tổ chức môi trường chỉ trích quyết định trì hoãn hành động của các nước giàu sẽ đẩy hàng triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo đói và bị đe dọa tính mạng.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *