Một trong những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua là Diễn đàn kinh tế thế giới WEF lần thứ 41 đã được khai mạc ở Davos, Thụy Sĩ. Có một điểm đáng chú ý trong diễn đàn tổ chức năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước công nghiệp phát triển không còn độc quyền kiểm soát vận mệnh kinh tế toàn cầu.

Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 41 có chủ đề "Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới"

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính 2008 – 2009 đã cho thấy trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển dần sang các nước đang phát triển. Trong lúc các nước này đang vươn lên mạnh mẽ, thì các nước công nghiệp phát triển lại phải lo giải quyết những vấn đề cấp bách như: tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bội chi ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại.

Với chủ đề “Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới”, Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay có sự tham dự của 2.500 đại biểu, trong đó có 35 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng tài chính, giới lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp, và các nhà trí thức đến từ 90 quốc gia. Trong số các chủ đề được đem ra bàn thảo có cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và vấn đề lãi suất của Trung Quốc. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu cũng là điểm nóng được quan tâm.

Ngoài những vấn đề bất ổn định về giá cả trên thị trường nông phẩm, nguyên liệu, diễn đàn kinh tế thế giới năm nay còn quan tâm đến các yếu tố cũng có thể gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế và cho sự tăng trưởng bền vững như: nguồn cung cấp nước ngọt, năng lượng, nạn tham nhũng tràn lan tại một số quốc gia.

Như nhận định của nhiều đại biểu, Diễn đàn năm nay diễn ra trong một thực tế là cục diện kinh tế toàn cầu đã thay đổi về căn bản, trong đó các nước mới nổi đang chiếm tỷ trọng kinh tế ngày càng lớn, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao; ngược lại, các nước công nghiệp phát triển lại đang trong giai đoạn khó khăn. Hai nền kinh tế mới nổi được nhiều người quan tâm tại diễn đàn Davos lần này là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này đã nhanh chóng vượt qua các thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tại diễn đàn, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới 2008 – 2009 ít nhiều vẫn còn và cộng đồng quốc tế phải đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng kép. Nhưng, để giải quyết vấn đề, thay vì chỉ xem xét những hậu quả của cuộc khủng hoảng, thì bây giờ các nước cũng cần phải tập trung thảo luận xem cần những chuẩn mực chung nào để có thể hợp tác toàn cầu trong giai đoạn mới. Đó là giai đoạn mà thế giới đang đứng trước một "thực tế mới", đang chứng kiến sự chuyển hướng quyền lực từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Những thay đổi mà "thực tế mới" đem lại thực sự còn quan trọng hơn những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu vừa qua.

Anh Bằng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *