Bên bờ hạnh phúc

Tình hình bất ổn tại Libya vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt. Mới đây, quân đội chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi đã giành lại quyền kiểm soát một số thành phố của lực lượng nổi dậy. Tình hình tại Libya khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Tình hình bất ổn tại Libya khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Ảnh minh họa

 

Tuần qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và Liên minh Châu Âu EU đã nhóm họp để thảo luận kế hoạch về vùng cấm bay tại Libya. Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng về vấn đề này ngay trong nội bộ của các tổ chức trên và trong các thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tại cuộc họp của NATO ở Russels, Bỉ vào ngày 10/03, Tổng thư kí Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO đã sẵn sàng cho mọi tình huống ở Libya, song bất cứ hành động quân sự nào của khối sẽ phải dựa trên ba nguyên tắc: sự cấp thiết rõ ràng phải hành động; cơ sở pháp lý rõ ràng và sự ủng hộ mạnh mẽ của khu vực. Điều này có nghĩa là NATO vẫn để ngỏ việc áp đặt vùng cấm bay tại Libya.

Cùng ngày, các thành viên của Nghị viện Châu Âu EP đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ vùng cấm bay tại Libya đồng thời kêu gọi 27 nước trong EU công nhận phe đối lập tại Libya là lực lượng cầm quyền hợp pháp duy nhất ở quốc gia Bắc Phi này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp khẩn cấp vào ngày hôm sau 11/3, 27 nhà lãnh đạo của EU đã không đạt được sự nhất trí về việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya. Cuộc họp cũng thể hiện sự bất đồng giữa các thành viên EU. Trong khi Pháp và Anh cố thúc đẩy một giải pháp quân sự và dọa đưa ông Gaddafi ra tòa án quốc tế thì Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi cho rằng, giải pháp trên sẽ không làm thay đổi được tình hình. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, mọi giải pháp quân sự, nếu được tiến hành, phải được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ủy quyền và có sự nhất trí của các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi, Liên đoàn Arập.

Pháp và Anh là hai quốc gia Châu Âu đầu tiên chính thức công nhận Hội đồng Cai trị Tạm quyền đối lập Libya. Cùng với sự ủng hộ của những thế lực khác ở phương Tây, chính quyền Paris và Luân Đôn đang tìm kiếm một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, những thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an như Nga, Trung Quốc thì từ trước tới nay vẫn tỏ ý không muốn can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác có chủ quyền và có thể có những dè dặt nghiêm trọng về việc ủng hộ một biện pháp như vậy.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc đưa ra ý tưởng nhằm giới hạn không phận của Libya là “không cần thiết”.

Trong khi đó, phản ứng trước khả năng áp đặt lệnh cấm bay của phương Tây, Tổng thống Gaddafi tuyên bố, nhân dân Libya sẽ đứng lên cầm vũ khí nếu vùng cấm bay được thiết lập. Lệnh này nếu được áp dụng sẽ khiến người dân Libya càng thấy rõ mục đích của các thế lực nước ngoài là muốn chiếm hữu dầu mỏ và lấy đi sự tự do của họ.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *