Bên bờ hạnh phúc

Trong khi cuộc khủng hoảng tại Libya chưa lắng dịu thì Trung Đông lại tiếp tục “sôi sục” tại Syria với các cuộc biểu tình lan rộng kêu gọi chính phủ cải cách và chấm dứt gần 5 thập kỷ áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Các nhà phân tích nhận định, Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện đang đứng trước một thách thức quyền lực sau khi xảy ra thương vong trong các cuộc trấn áp người biểu tình và việc 32 thành viên nội các từ chức.

Những cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước Syria. Ảnh minh họa

 

Làn sóng biểu tình từ Bahrain, Jordanie, Libya, Oman, Tunisia, Yemen đã lan sang Syria từ hơn 2 tuần trước kể từ khi lực lượng an ninh Syria bắt giữ một nhóm thanh niên vẽ những bức hình phản đối chế độ tại Daraa. Ngay sau đó, người dân Daraa đã xuống đường phản đối việc bắt giữ và nhận được sự ủng hộ của hàng trăm nghìn người ở các thành phố khác. Đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến nhiều người thiệt mạng.

Theo các nhà quan sát, biểu tình và bạo loạn tại Syria có xu hướng gia tăng sau vụ một nhóm vũ trang không rõ danh tính đã bắn tỉa từ trên mái nhà ở Latakia vào đám đông người biểu tình hôm 26/3 khiến khoảng 200 người bị thương. Những người biểu tình cáo buộc chính phủ đã thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, chính phủ Syria bác bỏ lời cáo buộc này và cho rằng, các nhóm vũ trang trên đã được các thế lực bên ngoài ủng hộ kích động. Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho biết, trong số những người bị thương trên, phần lớn thuộc lực lượng an ninh.

Trước tình trạng ngày càng gia tăng các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, kêu gọi cải cách và chấm dứt gần 5 thập kỷ áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại Syria, ngày 27/3, chính phủ Syria đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp này, xem đó là một phần trong các biện pháp cải cách nhằm trấn an người dân.

Luật tình trạng khẩn cấp của Syria, có hiệu lực khi đảng Baath cầm quyền hiện nay lên nắm quyền vào tháng 3/1963, áp đặt các hạn chế đối với hoạt động tụ tập và đi lại nơi công cộng, cũng như cho phép bắt giữ “những nghi phạm hay các đối tượng đe dọa an ninh”. Luật cũng cho phép điều tra bất cứ cá nhân nào và giám sát hoạt động liên lạc cá nhân, kiểm duyệt nội dung báo chí và thông tin truyền thông khác trước khi xuất bản.

Tuy nhiên, làn sóng biểu tình vẫn không dừng lại và vào ngày 29/3, nội các Syria, với 32 thành viên, đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Bashar al-Assad nhằm kiềm chế làn sóng biểu tình của phe đối lập. Mặc dù đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ của Thủ tướng Mohammed Naji al-Otari nhưng Tổng thống Bashar al-Assad đã yêu cầu nội các này tiếp tục đảm nhiệm các công việc cho đến khi nội các mới được thành lập.

Gánh nặng càng đè lên đôi vai của Tổng thống Bashar al-Assad khi mới đây, hàng ngàn người dân lại tiếp tục xuống đường biểu tình ngay sau khi ông có bài phát biểu về các biện pháp cải cách nhằm ổn định đất nước. Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Bashar al-Assad đang phải đối mặt với tình thế giống như các nhà lãnh đạo tại Tunisia, Ai Cập, Yemen, Bahrain. Đó là hoặc phải cứng rắn hơn hoặc phải nhượng bộ.

Anh Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *