Bên bờ hạnh phúc

Hôm 16/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một lệnh cấm mới trong đó quy định kể từ năm 2014 tất cả các thỏa thuận hợp tác giữa EU với Israel trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, thể thao, học thuật sẽ không được áp dụng đối với những tổ chức, cơ quan Israel tại các khu định cư Do Thái ở Cao nguyên Golan, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Theo các chuyên gia, động thái trên một lần nữa cho thấy những nỗ lực mới nhất của EU trong việc tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Công trường xây dựng khu định cư ở Đông Jerusalem. Ảnh: European Pressphoto Agency

Lệnh cấm trên bao gồm những dự án tài trợ trực tiếp từ ngân sách dài hạn của EU trong giai đoạn từ năm 2014-2020. Bên cạnh đó, quy định mới còn buộc Chính phủ Israel phải thừa nhận bằng văn bản rằng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem không phải là một phần của nhà nước Israel nếu muốn đảm bảo thỏa thuận với EU trong tương lai.

Chắc chắn những quy định mới này sẽ tác động xấu tới sự hợp tác kinh tế giữa EU với Israel cả trên phương diện nhà nước lẫn tư nhân, trước mắt là trong giai đoạn từ năm 2014-2020. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng "vấn đề ở đây không can hệ đến tài chính mà liên quan đến chính trị". Theo Nhật báo Phố Wall của Mỹ, EU lâu nay vẫn tìm kiếm vai trò trong các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Vì vậy, lệnh cấm mới của EU được xem như một biện pháp nhằm gia tăng sức ép đối với Tel Aviv trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông.

Trên thực tế, quyết định của EU sẽ tác động đến Israel trên nhiều phương diện. Trước hết, nó có thể làm tê liệt sự hợp tác về kinh tế, khoa học, văn hóa, thể thao và giáo dục giữa hai bên, và điều đó sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Israel. Còn về mặt chính trị ngoại giao, lệnh cấm của EU được coi như một thông điệp cứng rắn cho thấy EU xem việc Israel mở rộng các khu định cư người Do Thái trên các vùng lãnh thổ Palestine bị Tel Aviv chiếm đóng từ cuộc chiến năm 1967 là trái với luật pháp quốc tế. Điều đó chứng tỏ Israel đã thất bại trong việc giành được sự ủng hộ của EU trong vấn đề này.

Mặc dù, Israel vẫn có thể dựa vào Mỹ, nhưng nếu không nhận được sự ủng hộ của EU thì nước này sẽ khó tranh thủ được Liên hiệp quốc, và như thế sẽ rất bất lợi cho Israel trong quá trình đàm phán cũng như trong chính giải pháp chính trị với Palestine.

Giới phân tích nhận định EU đã thành công bước đầu trong nỗ lực tìm kiếm vai trò trong các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông khi có thể buộc Israel phải lựa chọn hoặc là ngừng mở rộng các khu định cư Do thái và trở lại bàn đàm phán hoặc là chấp nhận nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập cũng như những thiệt hại về kinh tế do lệnh cấm vận.

Hải Bằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *