Bên bờ hạnh phúc

Tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bị đình trệ từ năm 2010 cuối cùng cũng đạt được bước đột phá khi hôm 19/7, Israel và Palestine đã nhất trí trên nguyên tắc về việc nối lại đàm phán. Dự kiến, hai bên sẽ bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên trong tuần này tại thủ đô Washington, Mỹ, dưới sự trung gian của cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk. Giới phân tích nhận định, đây là một tín hiệu tích cực đối với nền hòa bình của khu vực, thắp lên hy vọng cho người dân Israel, Palestine và cả cộng đồng quốc tế.

Việc Israel đồng ý ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ của Palestine là cơ sở quan trọng để nối lại đàm phán.

Có được kết quả mang tính đột phá trên không thể không nhắc đến những nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với 6 chuyến công du tới Trung Đông kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2/2013. Theo giới quan sát, ông Kerry đã thành công khi thuyết phục Palestine tạm gác lại các điều kiện tiên quyết đưa ra đối với phía Israel về vấn đề công nhận đường biên giới được thành lập trước cuộc chiến năm 1967, cũng như việc ngừng xây dựng các khu tái định cư Do Thái ở Bờ Tây và Jerusalem. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cam kết không thực hiện các biện pháp chống lại Israel thông qua Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác trong quá trình đàm phán. Về phía Israel, chính quyền Tel Aviv cũng đã có những bước đi thiện chí khi tuyên bố trả tự do cho khoảng 80 tù nhân Palestine, vốn bị giam giữ trong hơn 30 năm qua. Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Israel, bà Tzipi Livni cho biết việc Palestine yêu cầu đặt thủ đô ở Đông Jerusalem cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại vòng đàm phán sắp tới.

Thế nhưng, giới phân tích cho rằng, mặc dù đã đạt được bước chuyển biến mang tính lịch sử, các bên vẫn cần nỗ lực hơn nữa cho mục tiêu hòa bình tại khu vực Trung Đông. Hiện, nội bộ Palestine đang bị chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền ở Bờ Tây và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đang kiểm soát Dải Gaza. Hamas cho rằng Tổng thống Abbas không có quyền hợp pháp để thương lượng thay cho người dân Palestine.

Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng vấp phải sự phản đối trong nước về một số quyết định liên quan đến thỏa thuận đàm phán với Palestine. Bên cạnh đó, việc vòng đối thoại sắp tới có dẫn đến những kết quả cụ thể và được cả hai bên chấp nhận để cùng tiến tới nền hòa bình lâu dài hay không vẫn còn để ngỏ.

Dẫu vậy, dư luận khu vực và thế giới vẫn hy vọng cuộc gặp sắp tới có thể giúp Israel và Palestine thu hẹp phần nào những bất đồng sau nhiều thập niên bế tắc trong tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai bên.

Kiều Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *