Tại đảo quốc Thái Bình Dương Papua New Guinea, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đang triển khai một sáng kiến mới về bảo vệ rừng. Đó là giúp người dân bản địa ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo vệ rừng.
Papua New Guinea có diện tích rừng mưa nhiệt đới lớn thứ ba trên thế giới. Ở nước này, người dân bản địa là lực lượng trông coi hầu hết diện tích đất rừng. Gần đây, họ được FAO trang bị điện thoại thông minh và máy tính bảng để ứng dụng công nghệ vào việc quản lý và bảo vệ rừng.
Ông Besta Pulum đang trông nom 800 héc-ta đất rừng thừa kế từ tổ tiên ở khu vực thuộc phía Tây Papua New Guinea. Việc trông coi một diện tích rừng lớn như vậy không hề đơn giản và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, giờ đây ông có thể xem hình ảnh chụp từ vệ tinh về khu rừng của mình mà không phải thường xuyên đến tận nơi.
“Trước đây nếu muốn đi xem xét đất đai của mình, tôi phải lặn lội đến tận từng nơi, vượt qua đồi núi. Giờ thì tôi có thể xem bằng cách này.”
Đây là một phần trong sáng kiến mang tên AIM4Forests do FAO và chính phủ Anh phát động từ năm ngoái, với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng người bản địa vào sứ mệnh quản lý và bảo vệ rừng. Ước tính người bản địa chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng đang trông nom tới 25% diện tích đất đai trên toàn cầu. Do đó, sáng kiến này kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *