Nếu như đa phần con cái của các loài chỉ giao phối với một con đực trong mỗi kỳ mang thai, thì cá mập chanh (lemon shark) lại có thể lấy giống từ 4 "chàng" khác nhau. Kết quả là tá con sinh ra của nó thường là sản phẩm của 2-4 ông bố…

Một con cá mập chanh. Ảnh minh họa

Cá mập chanh được gọi tên như vậy là do mầu vàng ở hai bên sườn. Nó có thể dài tới 2,5 mét và nặng 90 kg.

Gruber, nhà sinh vật học biển nổi tiếng tại Đại học Miami (Mỹ) đã khám phá ra hiện tượng đặc biệt này trong một nghiên cứu quy mô nhất trên cá mập từ trước đến nay, kéo dài nhiều thập kỷ. Địa điểm nghiên cứu là một phá nước mặn trên hòn đảo Bimini không có người ở, nằm cách Miami 80 km về phía đông. Mỗi năm khi hè tới, hàng trăm con cá mập chanh chưa trưởng thành lại bơi đến đây để tham gia vào nghiên cứu chi tiết này.

Cá mập chanh là loài cá mập lớn sống ven bờ biển, được tìm thấy ở phía tây Đại Tây Dương, từ bang New Jersey (Mỹ) tới Brazil, dọc theo bờ biển Tây Phi và Thái Bình Dương. Ở Bimini, môi trường nước nông, kín đáo trong phá đã che chở cho những con cá mập chưa trưởng thành và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chúng. Gruber và cộng sự đã đo đạc, cân nặng và gắn thẻ cho mỗi con, đồng thời lấy mẫu ADN của chúng để xét nghiệm.

Nhóm của ông phát hiện ra rằng, mỗi con cá mập cái mang thai có thể đã lấy giống từ 4 con đực khác nhau. Họ phỏng đoán hiện tượng này cũng xảy ra với rất nhiều loài cá mập khác.

Một khám phá khác của nhóm nghiên cứu đó là, cứ hai năm một lần cá mập chanh cái lại trở về “ao nhà” để sinh nở. Vì quần thể cá mập thường rất nhỏ, nên theo lý thuyết, sự giao phối cận huyết là khó tránh khỏi. Nhưng thực tế, hiện tượng này không hề xảy ra. Vì sao vậy? Gruber đã tìm thấy câu trả lời cho bí ẩn này trong các xét nghiệm ADN. Ông cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những con đực thường chỉ thực hiện sứ mệnh truyền giống có một lần duy nhất. Trong khi đó, những con cái vẫn đều đặn trở về Bimini cách năm. Chính sự thay thế các con đực mới đã giúp duy trì đa dạng gene trong quần thể”.

Cũng từ những số liệu ADN, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ phần nào yếu tố đã khiến cá mập trở thành "hóa thạch sống": chúng hầu như không biến đổi sau hàng triệu năm. Kevin Feldheim, của Đại học Illinois tại Chicago, người tham gia phân tích các mẫu ADN, nhận xét: “Cấu trúc ADN của cá mập chống chịu rất tốt với các đột biến, nó bền vững hơn nhiều so với của cá, con người hoặc các loài thực vật. Có lẽ điều này là lý do tại sao chúng không bị bệnh ung thư, hoặc có thể tồn tại trong hàng triệu năm lịch sử của trái đất”.

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *