Bên bờ hạnh phúc

Nipponia nippon là tên khoa học của Cò quăm có mào – một loài chim quý hiếm mà người Nhật gọi là Toki. Hiện nay, cò quăm có mào đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Lông vũ màu hồng nhạt tuyệt đẹp của loài chim này được cho là ẩn chứa một sức mạnh huyền bí, vì vậy, giới võ sĩ và quý tộc Nhật Bản ngày xưa đã dùng nó để trang trí cho các loại vũ khí.

Trong quá khứ, cò quăm có mào có thể được tìm thấy trên khắp nước Nhật, nhưng do tình trạng săn bắn quá mức và môi trường sống của chúng bị phá hủy nên có thời điểm loài chim này đã biến mất trong tự nhiên. Sau những cố gắng khôi phục đàn chim Toki, các nhà khoa học đã cho ra đời những chú chim non trong môi trường nuôi nhốt. Chúng được chăm sóc đến khi trưởng thành và được thả vào tự nhiên để tiếp tục duy trì nòi giống.

Trong tự nhiên, cò quăm có mào hiện chỉ cư trú trên đảo Sado. Tại đây, chúng được theo dõi sát sao thông qua thiết bị điện tử gắn trên mình của chúng. Hiện nay, nông dân trên đảo Sado đang làm việc không biết mệt mỏi để tạo môi trường sống hoang dã tinh khiết cho cò quăm có mào.

Cò quăm có mào từng phân bố rộng khắp khu vực Đông Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên. Chúng tìm kiếm thức ăn ở các cánh đồng lúa nước. Từ xa xưa, vẻ đẹp hình thể của cò quăm là lý do giúp chúng in đậm dấu ấn trong văn hóa của người Nhật.

Đặc điểm nổi bật của loài chim này là mảng da trọc màu đỏ trên đầu. Khi phát triển đầy đủ, chiều cao của chúng khi đứng thẳng là 75 cm, chiều dài sải cánh khoảng 1 mét tư. Cò quăm có mào sở hữu bộ lông vũ màu trắng pha chút hồng. Khi bay, trông chúng rất đẹp, đặc biệt là khi ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào bộ lông mềm mại làm nổi bật màu hồng cam. 

Thức ăn của cò quăm có mào là tại các cánh đồng lúa và đầm lầy, chúng ăn côn trùng trong mùa hè, ăn cá nhỏ, tôm, cua vào mùa đông.

Vào thế kỷ thứ 19, Philipp Franz von Siebold, một bác sĩ người Đức từng sinh sống tại Nhật, đã mang 4 con cò quăm có mào về châu Âu. Từ đó, loài chim mà người Nhật gọi là Toki này, trở nên nổi tiếng khắp thế giới dưới cái tên Nipponia nippon.

Không may là đến thế kỷ 20, dưới áp lực săn bắt và môi trường sống bị xâm hại, số lượng cò quăm có mào ở Nhật Bản giảm sút trầm trọng. Kể từ năm 1976 đến ngày 22/4/2012, người ta chỉ ghi nhận có một trường hợp cò Toki được sinh ra trong tự nhiên.

Thần cung Ise, một quần thể đền thờ Thần Đạo linh thiêng tọa lạc ở tỉnh Mie là nơi đang lưu giữ một báu vật có liên quan đến chim Toki mà không phải ai cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng vật báu này. Đó là thanh gươm Sugari no Ontachi. Ở phần cán gươm, người ta trang trí bằng 2 cọng lông vũ màu hồng của chim Toki. Thanh gươm là vật quan trọng dùng trong các nghi lễ kỷ niệm ngày lên ngôi của Nhật hoàng diễn ra mỗi 20 năm 1 lần. Người Nhật tin rằng, màu hồng nhạt của lông chim Toki giúp xua đuổi tai ương đồng thời mang lại sự thịnh vượng, may mắn.

Là loài chim quý hiếm và ẩn chứa ý nghĩa đặc biệt nên lông của Toki được xem là vật trang trí rất có giá trị về mặt tinh thần. Trước tâm lý lo ngại chim Toki bị tuyệt chủng sẽ dẫn đến một số nghi lễ văn hóa truyền thống có thể mai một nên người ta đã tiến hành thu thập lông của loài chim này và cất giữ cẩn thận.

Vào thời Edo, thế kỷ 17, số lượng cò quăm có mào tại Nhật Bản rất nhiều, chúng nhiều đến mức nông dân đã yêu cầu chính quyền cho phép săn bắn để bảo vệ đồng lúa của họ.

Đến đầu thế kỷ 20, việc sát hại cò quăm vẫn không bị cấm. Lúc bấy giờ, những kẻ săn bắn dễ dàng thu được nhiều chiến lợi phẩm nhờ sự hỗ trợ của súng săn. Cò quăm bị săn bắn không chỉ vì chúng phá ruộng lúa mà còn vì vẻ đẹp trên bộ lông của chúng. Thêm vào đó, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và việc lạm dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng đã khiến nguồn thức ăn của cò quăm trở nên khan hiếm.

Những năm 1930, số lượng cò quăm tại Nhật giảm mạnh đến mức một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng về nguy cơ tuyệt chủng của loài chim này.

Hiện nay, tại Nhật Bản, cò quăm có mào chỉ cư trú trên đảo Sado, chính vì vậy, cư dân địa phương rất ý thức trong việc tạo lập môi trường sống tự nhiên an toàn cho chúng. Thức ăn của cò là ếch nhái, cua và cá trên đồng ruộng nên nông dân vừa canh tác lúa vừa tìm cách bảo vệ và làm gia tăng nguồn thức ăn cho lũ cò. Người dân canh tác lúa hoàn toàn không dùng hóa chất nông nghiệp hay phân hóa học. Máy móc chỉ được sử dụng lúc cấy lúa và khi thu hoạch lúa.

Giờ đây, tại Sado, trên các cánh đồng lúa, người ta dễ dàng bắt gặp những con cò đang lầm lũi tìm thức ăn bên cạnh người nông dân đang miệt mài làm việc. Trên bầu trời, những đàn cò quăm với đôi cánh hồng nhạt gấp gáp bay về tổ lúc chiều tà. Hình ảnh thanh bình này đã có lúc tưởng chừng như sẽ không bao giờ lặp lại khi mà con người đã xâm phạm quá mức vào thế giới tự nhiên.

Thanh Tâm 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *