Bên bờ hạnh phúc

Thăm khám trước khi mang thai, theo dõi thai kỳ chặt chẽ, áp dụng kỹ thuật hiện đại “đẻ không đau”, tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin quan trọng trước và trong thai kỳ… là những cách giúp người phụ nữ có một thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh.

Đó là chia sẻ của BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và các chuyên gia, bác sĩ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Mang thai an toàn, đẻ không đau & tiêm vắc xin quan trọng đầu đời cho trẻ” được phát sóng vào tối 21/3 vừa qua. Độc giả quan tâm có thể xem lại buổi tư vấn tại đây

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, hành trình mang thai của người phụ nữ sẽ kéo dài trong 40 tuần (280 ngày), chia làm 3 tháng đầu (tam cá nguyệt thứ nhất), 3 tháng giữa (tam cá nguyệt thứ hai), 3 tháng cuối (tam cá nguyệt thứ ba), cuối cùng là chuyển dạ và sinh con.

Ở mỗi tam cá nguyệt đều tiềm ẩn những nguy cơ khác nhau cho cả mẹ và thai nhi, vì thế mẹ cần tuân thủ đầy đủ hướng dẫn theo dõi thai kỳ được bác sĩ sản khoa chỉ định để đảm bảo thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.

Cụ thể, khi có ý định mang thai, phụ nữ nên thăm khám sức khỏe để tầm soát một số bệnh liên quan và có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như tim mạch, đái tháo đường, cường giáp… Đồng thời, nên tiêm ngừa các mũi vắc xin quan trọng như thủy đậu, sởi – quai bị – rubella… để chuẩn bị nền tảng sức khỏe tốt nhất.

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu mang thai cần thăm khám ngay để siêu âm kiểm tra vị trí làm tổ của thai, cũng như các dấu hiệu sinh tồn của thai nhi như yolksac, phôi thai, tim thai… Tuân thủ đầy đủ lịch khám thai được hướng dẫn bởi bác sĩ, trong đó có những cột mốc và xét nghiệm quan trọng mà mẹ không được bỏ lỡ, bao gồm: tuần thứ 11-13 của thai kỳ cần siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm hình thái học quý I để phát hiện sớm những dị tật ở thai; tuần thứ 20-24 cần siêu âm hình thái học quý II; tuần thứ 24-28 cần làm nghiệm pháp dung nạp đường; tuần thứ 29-31 siêu âm hình thái học quý III; giai đoạn 36 tuần đến 37 tuần 6 ngày cần làm tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) để có biện pháp dự phòng nhiễm trùng từ mẹ sang con lúc chuyển dạ sinh.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ những mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ lỡ

Chuyển dạ là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thai nghén, sau 280 ngày “mang nặng” mẹ chính thức bước vào giai đoạn “đẻ đau”. Có thể nói, cơn đau chuyển dạ là một trong những nỗi ám ảnh và sợ hãi đối với các mẹ bầu, thậm chí có nhiều mẹ mong muốn sinh mổ để trốn tránh cảm giác đau đẻ.

ThS.BS.CKII Phan Thị Thu Yến, Phó khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, khi trải qua cuộc sinh nở nhiều đau đớn sẽ ảnh hưởng đến tình mẹ con, gây ra những cơn đau mạn tính về sau và có thể tăng nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.

“70% phụ nữ cảm thấy cơn đau đẻ dữ dội và vượt quá ngưỡng chịu đựng. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phụ phải hứng chịu cơn đau giằng xé kéo dài từ 1-2 ngày, ảnh hưởng sức lực và tinh thần vượt cạn, sinh con. Với sự tiến bộ của y học và kỹ thuật gây mê hồi sức, giảm đau sản khoa như món quà ý nghĩa dành cho sản phụ vượt cạn, giúp những cơn đau đẻ trở nên nhẹ nhàng hơn, mẹ không bị mất sức, an tâm đón con yêu chào đời an toàn”, bác sĩ Thu Yến cho biết.

ThS.BS.CKII Phan Thị Thu Yến chia sẻ các phương pháp giảm đau khi sinh giúp mẹ an tâm hơn khi chuyển dạ

Đặc biệt, hiện nay nhiều mẹ bầu lựa chọn phương pháp sinh thường (sinh ngả âm đạo) không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng. Theo bác sĩ Thu Yến, phương pháp này được thực hiện trước khi sinh, bác sĩ sẽ luồn một dây nhỏ vào phía sau lưng, ở khoang tủy sống để đưa thuốc tê vào duy trì suốt cuộc chuyển dạ. Mẹ sẽ không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình chuyển dạ, trong khi rạch, khâu tầng sinh môn cũng như sau khi sinh. Phương pháp này không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe mẹ, cũng như chất lượng sữa mẹ.

Chồng MC Thanh Phương đồng hành cùng vợ “vượt cạn” tại phòng sinh gia đình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: Như Ngọc

“Mặc dù sinh mổ giúp mẹ sinh nở chủ động và nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ, cơ hội sinh thường ở những lần sau bị hạn chế… trong khi hiện nay đã có những phương pháp hiện đại giúp mẹ sinh thường nhẹ nhàng và không đau. Do đó, việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ chỉ nên là chỉ định của bác sĩ sản khoa, xuất phát từ những tình huống thai kỳ đặc biệt, không nên xuất phát từ nỗi sợ đau khi sinh của mẹ”, bác sĩ Mỹ Nhi nhấn mạnh.

Bên cạnh nỗi lo về một thai kỳ an toàn, mẹ tròn con vuông, hầu hết mẹ bầu đều lo lắng làm thế nào để trẻ có nền tảng sức khỏe và hệ miễn dịch tốt nhất, đặc biệt là những người lần đầu đón nhận thiên chức.

Thạc sĩ Nguyễn Diệu Thúy, Trợ lý Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng rất dễ bị tổn thương và tấn công bởi những mầm bệnh như vi khuẩn, virus. Hệ miễn dịch của trẻ vốn non nớt, chưa hoàn thiện nếu bị mầm bệnh tấn công sẽ dễ khiến bệnh nặng hơn, dễ biến chứng, thậm chí để lại di chứng nặng nề, vĩnh viễn và có thể đe dọa tính mạng. Vì thế, mẹ cần biết những mũi vắc xin quan trọng cần tiêm phòng đầy đủ ở giai đoạn đầu đời cho trẻ.

Theo đó, hai mũi vắc xin quan trọng mẹ phải tiêm ngay cho trẻ khi mới sinh ra là vắc xin Lao (BCG) từ sau sinh đến 1 tháng tuổi và vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh.

Khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi, mẹ cần tiêm cho trẻ những mũi vắc xin sau, gồm 6in1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae týp B (Hib). Thời điểm này trẻ cũng được khuyến khích tiêm vắc xin tiêu chảy cấp do Rotavirus và vắc xin phế cầu. Thống kê từ thế giới, cứ 20 giây trôi qua có 1 trẻ tử vong do viêm phổi, và phế cầu chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Một số trường hợp nhất định, trẻ có thể tiêm các mũi vắc xin này sớm hơn 6 tuần tuổi.

Trẻ từ 6-9 tháng tuổi có thể tiêm ngừa thêm vắc xin phòng bệnh hô hấp như vắc xin cúm mùa và sởi.

Thạc sĩ Nguyễn Diệu Thúy chia sẻ những mũi vắc xin quan trọng đầu đời cho trẻ

Nhiều bậc phụ huynh lo sợ rằng tiêm cùng lúc nhiều mũi vắc xin có làm quá tải hệ miễn dịch của trẻ không? Thạc sĩ Diệu Thúy cho biết, đây đều là những mũi vắc xin quan trọng và cần thiết trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Mặc dù trẻ có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang nhưng không thể bảo vệ hết, kháng thể thụ động cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Việc chích cùng lúc nhiều mũi vắc xin sẽ tận dụng tối đa cơ hội, giúp trẻ được phòng bệnh sớm và hiệu quả.

“Mặc dù tiêm nhiều mũi cùng lúc sẽ tiện hơn, nhưng không phải vắc xin nào cũng có thể phối hợp tiêm cùng lúc được. Vì thế, mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia tiêm chủng để được hướng dẫn phác đồ tiêm thích hợp, thực hiện tiêm phòng an toàn, hiệu quả và không bỏ sót mũi vắc xin quan trọng đầu đời cho trẻ”, thạc sĩ Diệu Thúy chia sẻ thêm.

Hệ thống Tiêm chủng VNVC không ngừng phát triển và mở rộng, hiện đã có 167 trung tâm tiêm chủng dọc khắp ba miền Bắc – Trung – Nam của Việt Nam. Với phương châm nỗ lực không ngừng để hàng triệu gia đình Việt Nam được chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống, Hệ thống Tiêm chủng VNVC là địa chỉ tin cậy để bố mẹ lựa chọn.

Hiện nay, độ tuổi sinh con của người phụ nữ thường trễ hơn 35 tuổi. Độ tuổi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… do đó khi mang thai cần theo dõi thai kỳ sát sao tại một bệnh viện đa khoa có đầy đủ các chuyên khoa hỗ trợ. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia – bác sĩ giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ liên chuyên khoa như Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Gây mê hồi sức, khoa Nội tiết – Đái tháo đường… cùng hội chẩn cho những tình huống thai kỳ đặc biệt, đưa ra phác đồ can thiệp thai kỳ hiệu quả đảm bảo thai kỳ an toàn, mẹ tròn con vuông.

Thúy Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *