Bên bờ hạnh phúc

Ngủ ngáy rất phổ biến và có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý hô hấp nguy hiểm nhưng thực tế ít người bệnh quan tâm đúng mức.

Thông tin trên được các chuyên gia về bệnh lý hô hấp cho biết trong chương trình Tư vấn trực tuyến: “Xóa ám ảnh ngủ ngáy – Hen, viêm phổi, ngưng thở khi ngủ, béo phì giảm thông khí, COPD” được tổ chức bởi Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, diễn ra vào tối 13/10/2023.

Chương trình thu hút hơn 50 ngàn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Đồng thời, hàng trăm câu hỏi của khán giả đã gửi về, được các chuyên gia, bác sĩ giải đáp kịp thời.

Chương trình Tư vấn trực tuyến: Ám ảnh ngủ ngáy và các bệnh lý hô hấp nguy hiểm

BS.CKII Mã Thanh Phong, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ngủ ngáy cho thấy giấc ngủ kém chất lượng, không sâu, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng sống và năng suất làm việc. Ngủ ngáy còn là một tình trạng bất thường tiềm ẩn các bệnh lý hô hấp nguy hiểm, xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn.

Những đối tượng có nguy cơ ngủ ngáy như thừa cân – béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, mắc các bệnh lý hô hấp như hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phổi…

Khán giả Đỗ Thành Công hỏi: “Bệnh của tôi dở khóc dở cười, cứ nhắm mắt lại là tôi ngáy rất to. Tôi không biết mình ngáy cho đến khi vợ quay, ghi âm lại. Giấc ngủ của tôi cũng không sâu, đang nằm ngủ, chỉ cần vợ gọi hay nói gì tôi cũng nghe thấy. Không biết tôi có bị bệnh hô hấp gì không? Vợ tôi nói tiếng ngáy của tôi càng ngày càng to”.

Tư vấn cho anh Công, bác sĩ Lã Quý Hương, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ngáy là tình trạng phát ra âm thanh khi thở, do đường thở bị xẹp lại, có thể là hẹp từ mũi hoặc ở hầu mũi, hầu họng, nắp thanh môn. Ngủ ngáy có thể do ngáy đơn thuần hoặc do bệnh lý.

Anh Công ngủ không sâu giấc, dễ bị tỉnh giấc. Đây là dấu hiệu cho thấy chứng ngủ ngáy có thể do hội chứng ngưng thở khi ngủ gây nên. Tình trạng trao đổi khí của phổi bị gián đoạn, kích thích não thường xuyên tỉnh giấc để điều hòa nhịp thở. Vì vậy, người ngáy dễ bị tỉnh giấc, có thể đi tiểu đêm nhiều lần, mệt mỏi, ngủ gật vào ban ngày. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng để điều trị kịp thời.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến ngủ ngáy ở trẻ em và các bệnh lý liên quan, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Phó Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đối với trẻ em, nguyên nhân ngủ ngáy cũng có thể rất đa dạng. Lệch vách ngăn mũi hay viêm amidan quá phát, gây hẹp đường thở, hầu họng có thể khiến trẻ ngủ ngáy. Tuy nhiên, các bệnh lý đường hô hấp như ngưng thở khi ngủ, hen suyễn, hen phế quản… làm tăng tiết nhầy ở đường hô hấp, gây phù nề đường thở, cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ ngủ ngáy.

Tỷ lệ trẻ em mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ngủ ngáy chiếm khoảng 2-5%, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm tập trung học tập, tăng động giảm chú ý. Do đó, ba mẹ cần đưa bé đi khám tại chuyên khoa hô hấp, đặc biệt là với trẻ ngáy to thường xuyên, ngủ há miệng (cằm đưa ra trước), trẻ vừa ngáy to vừa thở hổn hển khi ngủ…

BS.CKII Mã Thanh Phong cho biết thêm, để chẩn đoán người bệnh ngủ ngáy và những bệnh lý hô hấp liên quan, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, đánh giá theo bảng câu hỏi và các chỉ định cận lâm sàng liên quan. Tiêu chuẩn “vàng” đang được áp dụng tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là sử dụng các phương tiện “thăm dò” giấc ngủ, cụ thể là đo đa ký hô hấp, đo hô hấp ký hoặc đo đa ký giấc ngủ.

Khi sử dụng kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được gắn các kênh điện cực lên các vùng cơ thể tương ứng trong khi ngủ, giúp đánh giá, kiểm tra các thông số liên quan như tiếng ngáy, nhịp thở, hơi thở, luồng khí thở qua mũi, các gắng sức hô hấp, độ bão hòa oxy máu, nhịp tim, viêm đường hô hấp cấp, hen, nghiến răng… Để đo đa ký hô hấp, người bệnh sẽ ngủ tại bệnh viện ít nhất 8 tiếng và xuất viện vào buổi sáng hôm sau. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng khác như chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính (CT)… để chẩn đoán bổ sung.

Đo đa ký giấc ngủ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Đo đa ký hô hấp giúp phát hiện ngưng thở khi ngủ, hội chứng béo phì giảm thông khí, suy hô hấp mạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn cử động chân theo chu kỳ, nghiến răng… Các bệnh lý hô hấp gây ra tình trạng thiếu oxy có thể dẫn đến tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, chứng viêm. Những tác động này có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm một số bệnh lý về tim, hô hấp và chuyển hóa: Huyết áp cao, đột quỵ, suy tim xung huyết, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, hội chứng chuyển hóa, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường (đái tháo đường).

Ở người lớn, chỉ số ngưng giảm thở/giờ là >=5 giây, mỗi lần ngưng thở trên 10 giây thì được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ở trẻ em, chỉ cần chỉ số ngưng giảm thở 1 lần/giờ và mỗi lần ngưng thở kéo dài trên 5 giây thì được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

ThS.BS Lã Quý Hương, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo, thời điểm giao mùa từ thu sang đông tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn phát triển. Sức đề kháng cũng bị giảm, gây viêm đường hô hấp trên mãn tính, viêm phổi, hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Bất kỳ ai khi phát hiện chứng ngủ ngáy và những bệnh lý liên quan như hen phế quản, viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ngưng thở khi ngủ, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… cần được chẩn đoán và điều trị sớm để không gây biến chứng nguy hiểm.

Bình An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *