Năm 1957, trong chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, địch tung hết lực lượng cảnh sát, bảo an, dân vệ và công dân vụ đi bắt dân tố cộng. Ở tại nhà đồng chí Bảy Huế, ấp 4 – xã Tân An Luông, trong cuộc họp, tên Ba Khương phản bội, bất ngờ dẫn lính ập đến. 4 cán bộ vào vách đôi, nhưng địch phát hiện, kêu gọi ra đầu hàng, nếu không thì chúng xả súng bắn. Để bảo vệ đồng đội, Lệ Thu xông ra nói : “Đừng bắn, chỉ có mình tôi thôi!”. Lệ Thu đỡ đầu họng súng, giằng co với giặc cho 3 cán bộ (trong đó có đồng chí Lê Ngọc Huế [Bảy Huế], sau này làm Bí thư Huyện ủy) thoát khỏi.

Địch bắt được Nguyễn Thị Thu mừng như đã thắng một trận lớn. Tại Khám đá Vũng Liêm, trong Phòng điều tra, tên quận Biên và Ba Sáu ác ôn đã hành hạ Lệ Thu bằng mọi cực hình man rợ nhất, tra khảo để tìm ra các cơ sở hoạt động của Lệ Thu. Chị cứ trơ như đá, vững như đồng, không một lời khai báo. Đến khi địch dùng kim đâm vào 10 ngón tay, chị lại thét to : “Tao không biết ai là cộng sản, bây đừng hòng làm nhụt ý chí của tao!”. Lệ Thu đưa hai bàn tay lên trời, đóng mạnh vào tường cho ngập cả 10 cây kim vào 10 ngón tay. Trước hành động gan dạ tuyệt vời đó, kẻ địch đã thua chị. Chúng lại tiếp tục dùng hàng chục cách độc ác khác để tra khảo Lệ Thu. Dã man nhất là bọn Mỹ – ngụy dùng con lươn cho chui vào “cửa mình”. Chị vẫn cắn răng chịu đựng. Thâm độc hơn nữa, chúng dùng họng lave (bia) sục lên đưa vào “cửa mình”, làm chị chết đi sống lại nhiều lần. Nhưng người nữ đảng viên cộng sản – Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Thu đều thể hiện sự trung kiên, bất khuất trước mặt quân thù, không khai báo nửa lời để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Bọn địch bất lực, thất vọng trước một người phụ nữ gan dạ. Chúng đày chị đi các nhà tù : khám Vĩnh Long, Chí Hòa và Phú Lợi, trong các chuồng cọp, khám chẹt, khám tối. Cứ như thế, chúng tiếp tục khảo tra với tất cả nhục hình. Một thân hình vốn đã mảnh mai nay trở nên gầy yếu và xơ xác. Trong các nhà tù, Lệ Thu luôn luôn nhạy bén, hoạt bát, thương yêu đồng đội, thu hút tình cảm của mọi người nên Lệ Thu cùng Ban lãnh đạo trong tù vận động được đông đảo chị em tù nhân liên tục đấu tranh : không chào cờ ngụy, đòi quyền dân chủ, đòi cải thiện đời sống chế độ tù…

Cuối cùng, không đủ bằng chứng để kết tội, địch đã thả Nguyễn Thị Thu và chị Ba Hạnh (xuội cả tay chân) về để làm lung lay ý chí người khác. Lệ Thu dìu bạn lê từng bước về vùng giải phóng. Trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, Lệ Thu tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1960, Nguyễn Thị Thu đã trở thành Huyện ủy viên, tích cực lãnh đạo phong trào phụ nữ huyện, vận động đắc lực trong cuộc “Đồng khởi” ngày 14/9/1960. Lệ Thu cùng Đảng bộ lãnh đạo toàn dân nổi dậy bằng ba mũi giáp công, quét sạch hệ thống kềm kẹp cơ sở của địch, giải phóng 60/79 ấp và hơn 80.000 dân. Từ năm 1960 – 1964, Lệ Thu cùng Ban lãnh đạo Đảng bộ tổ chức các mẹ, các chị em đi đấu tranh trực diện với địch trên 4.000 cuộc với 40.000 lượt người tham gia. Phong trào nổi dậy phá ấp chiến lược trở về ruộng vườn cũ của nông dân, phụ nữ đóng vai trò tích cực. Học tập gương bất khuất của Nguyễn Thị Thu, Đảng bộ đã phát động nhiều mẹ, nhiều chị em Vũng Liêm mỗi lần đi đấu tranh chính trị thà hy sinh chứ không chịu lùi bước, bằng tay không dám đánh trả kẻ địch có vũ khí để giải vây cho những người bị bắt. Nhiều người đã ngã xuống, hoặc bị đánh đập, tù đày mà không run sợ, tinh thần vẫn bình thản ung dung, sáng đi đấu tranh trực diện, chiều về sản xuất, tiếp lương, tải đạn không hề biết mệt mỏi.

Tháng 5/1964, nơi họp BCH Huyện ủy bị địch phát hiện. Nguyễn Thị Thu liền nghĩ cách cải trang đi xúc cá tép dưới sông để tìm hiểu địch và địa hình bí mật, điều hết cán bộ trong cuộc họp ra khỏi vòng vây địch. Nhưng sau đó, một chiếc L.19 (đầm già) quan sát phát hiện. Chúng điện cho lính bảo an và Sư đoàn 9 đang hành quân càn quét. Tên Ba Sáu nhận ra Lệ Thu và ra lịnh bắn bỏ. Tên thiếu úy bảo an bắn chị nát một bên đùi, Lệ Thu hô to : “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam muôn năm!”. Trước hành động gan dạ đó, một tên trung úy Sư đoàn 9 (có người nói Binh vận) nói : “Xưa nay, tôi thấy rất nhiều người con gái Việt cộng gan dạ, nhưng chưa thấy ai bằng tên này. Thật là một người con gái anh hùng! Cho tôi nhận để khai thác và hành quyết tên nữ Việt cộng này!”. Nhưng sau đó, tên trung úy bảo y tế băng bó kỹ vết thương cho Lệ Thu và gửi lại cho gia đình má Năm chăm sóc. Khi địch rút quân, nhân dân chở Lệ Thu vào Dân y huyện. Ở đó, được y – bác sĩ hết lòng cứu chữa, Lệ Thu đã hồi phục và tiếp tục hoạt động cách mạng.   

Trần Hữu Vị – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *