“Một thế kỷ mấy vần thơ” là một trường ca ra đời năm 1956, lúc người Pháp rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Genève, lúc đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, dựng chính quyền Ngô Đình Diệm, ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam. Điều đáng nói là nó xuất hiện trên báo chí công khai tại Sài Gòn trong chế độ kiểm duyệt hà khắc.

Lập tức được nhân dân đón nhận như một bài văn tế tống tiễn thực dân Pháp, như một bài hịch chống Mỹ- Diệm đang tiến hành tố cộng, diệt cộng, bắt bớ, tù đày những người kháng chiến, xé bỏ Hiệp định Genève, chia cắt đất nước.

Là một bài trường ca rất đặc biệt : vừa mang phong cách văn biền ngẫu của văn tế, của phú, của cáo, vừa mang âm hưởng hò Nam bộ để thể hiện những nội dung trên.

SỰ RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM TRONG HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Nhà thơ Truy Phong – tức Dương Tấn Huấn – sinh năm 1925 tại Cù lao Dài, xã Thanh Bình, Vũng Liêm, Vĩnh Long; tham gia cách mạng năm 1945, huy chương “Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật ”, từ trần ngày 8/5/2005; là người làm báo trong kháng chiến chống Pháp, từng đạt giải Nhất về thơ của Hội Văn nghệ Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève, ông được điều về hoạt động hợp pháp ở thị xã Trà Vinh. Trong không khí chiến thắng ở Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, cảm xúc của Truy Phong dâng trào, ông viết trường ca “Một thế kỷ mấy vần thơ” nói lên niềm tự hào của dân tộc. Tuy nhiên, chính lúc ấy, đế quốc Mỹ dựng lên chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Những người có công trong kháng chiến bị bắt bớ, tù đày bằng các chiến dịch tố cộng, diệt cộng. Trong tình hình ấy, việc công bố một tác phẩm ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ để động viên, cổ vũ cho đồng bào miền Nam niềm tự hào dân tộc, vạch trần âm mưu của kẻ thù mới, cổ vũ nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh trở nên một nhu cầu bức xúc. Song song đó, chế độ kiểm duyệt báo chí của Mỹ – Diệm hết sức hà khắc. Truy Phong đã được các đồng chí hoạt động cách mạng ở Sài Gòn lúc bấy giờ tìm mọi cách để in trang nhất của một tờ tuần báo tiến bộ mang tên Tiến thủ vào thời điểm 1956. Và tờ báo bị khủng bố, bị đóng cửa, nhiều nhà báo bị bắt. Thế nhưng, bài thơ ấy được phổ biến một cách rộng rãi ở đô thị miền Nam và lan ra vùng bưng biền kháng chiến. Nó như một bài văn tế tống tiễn thực dân Pháp, một bài hịch chống Mỹ – Diệm.

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể, bao hàm trong bản thân nó là sự thống nhất thẩm mỹ giữa nội dung và hình thức. Sự thống nhất ấy, theo Hêghen, là sự thống nhất biện chứng. Bởi vì nội dung chẳng phải cái gì khác, mà chính là sự chuyển hoá của hình thức vào nội dung, và hình thức cũng chẳng là gì khác mà chính là sự chuyển hoá của nội dung vào hình thức. Trong mối quan hệ này, nội dung là yếu tố căn bản, nhưng hình thức có vai trò độc lập tương đối của nó với nội dung. Nhà văn Nga Lêônôp có lý khi cho rằng : “Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung”.

 

 

Từ những quan niệm ấy, có thể nói, cái phát minh về hình thức chính là sự kết hợp văn biền ngẫu với thơ ca dân gian, tạo ra một phong cách đặc biệt vừa gần gũi, uyển chuyển, vừa bi hùng, tác giả khám phá cảm xúc của mình về chiến thắng thực dân Pháp của dân tộc, cổ vũ nhân dân chống Mỹ.

VĂN TẾ THỰC DÂN PHÁP

Mở đầu bản trường ca là một khổ thơ mới nói lên chiến thắng rực rỡ của nhân dân ta và thân phận người lính thực dân thất trận. Hai hình ảnh đối lập phảng phất chất lãng mạn của thơ “tiền chiến”, thoáng chút bi hùng của thơ Đường.

"Ánh hồng rạng rỡ chân trời mới
ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi".

Người Việt Nam đón nhận sự kiện thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Genève, rút quân khỏi Việt Nam như là bình minh của một kỷ nguyên mới : kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, phát triển… là tiếng chuông báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân, mà Pháp là một thực dân tiêu biểu :

"Có kẻ chiều nay về cố quán
âm thầm… không biết hận hay vui?!"

Từ khổ thơ đầu mang chất trữ tình đột ngột chuyển sang giọng điệu một bài văn tế “quân viễn chinh bại vong”.

"Chiều nay
kèn kêu tức tưởi, nghẹn lời
tiếng ngân xúc động dạ người viễn chinh!
Chiều nay trên nghĩa địa
có một đoàn tinh binh
cờ rũ và súng xếp
cúi đầu và lặng thinh
nghẹn ngào giã biệt người thiên cổ
đất lạ trời xa sớm bỏ mình
thịt nát, xương tan, hồn thảm bại
nghìn trùng ôm hận cõi u minh!
Những ai làm lính viễn chinh
Chiều nay bước xuống tàu binh trở về.
Tàu xúp lê!
Tàu xúp lê!
Cửa Hàm Tử lao xao sóng gợn
bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê…
bước đi những bước nặng nề
ngày đi chẳng biết ngày về chẳng hay!"

Đoạn thơ có tiết tấu nhặt khoan của kết cấu bài văn tế. Những vế đối dạng biền ngẫu, đối từng vế trong câu, từng cặp câu đối ý chan chát, từng đoạn đối nhau tạo nên văn tế “hồn ma” bi thương của đội quân viễn chinh. Họ thất bại như là một sự lặp lại của lịch sử của những đội quân xâm lược Nguyên – Mông trước đây ở Bạch Đằng, Hàm Tử.

“Chiều nay trên nghĩa địa/ có đoàn tinh binh/ cờ rũ và súng xếp/ cúi đầu và lặng thinh”. Đúng là hình ảnh những bóng ma thực dân cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Hoặc câu “Cửa Hàm tử lao xao sóng gợn/ Bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê” mang âm hưởng bi thương của văn tế, thể hiện bi thương của đội quân viễn chinh, nhưng hiện lên cái hùng tráng của lịch sử dân tộc. Kết thúc của đoạn trở về, câu thơ lục bát mang âm hưởng hò Nam Bộ để đóng cây đinh nhẹ nhàng nhưng sâu sắc trên “nắp quan tài” của chủ nghĩa thực dân : “Bước đi những bước nặng nề/  Ngày đi chẳng biết, ngày về chẳng hay”. Cái vô thuỷ, vô chung trong tiềm thức thực dân, chính là cái bắt đầu và kết thúc của những tham vọng. Một câu lục bát nhẹ nhàng kiểu hò Nam Bộ nhưng mang một triết lý phương Đông, một biện chứng của lịch sử!

Khi người Pháp đến Việt Nam “Bến Nghé của tiền tan bọt nước,/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” trong thơ cụ Đồ Chiểu thì giờ đây, trong thơ Truy Phong, người lính viễn chinh Việt Nam cút đi trong “Kèn kêu tức tưởi, nghẹn lời/ Tiếng ngân xúc động dạ người viễn chinh!”. Khi họ đến đem bao tang tóc cho dân tộc khác bao nhiêu thì sự thất bại ra đi trong tức tưởi, nhục nhã bấy nhiêu.

Sự kết hợp tài hoa, kế thừa truyền thống trong nghệ thuật dân tộc phú, cáo, văn tế với thơ mới, thơ dân gian, Truy Phong tạo ra một phong cách thơ đặc biệt, dùng nó nói lên tư thế của người chiến thắng, dùng nó để tế chủ nghĩa thực dân trong tư thế của những người chiến thắng, của những người có một nền văn hoá cao. Sức mạnh của phong cách thơ ông hàm chứa cả một lịch sử, văn hoá dân tộc và thời đại mà Truy Phong đang sống.

Ở đây, sự sáng tạo nghệ thuật trên một cái nền văn hoá ngàn năm, thể hiện nội dung của một chiến thắng lịch sử oanh liệt của dân tộc – chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng ấy cũng là kết tinh của lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước. Hình thức và nội dung hoà quyện làm một tạo ra một hiệu quả đặc biệt. Trong bài không có một từ nào nhắc đến tên địa danh Điện Biên Phủ, nhưng lại nói lên khí thế hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua góc nhìn từ những đoàn quân bại trận.

Tiếp theo là tác giả kể rõ tội ác của người Pháp trong suốt một thế kỷ chiếm đóng cũng với giọng văn biền ngẫu, có hơi hướng dân ca, có chất thơ mới… Thế nhưng người đọc cũng thấy ngay đó cũng chính là tội ác của Mỹ – Diệm :

"Anh bắn!
Anh giết!
Anh băm!
Anh vằm!
Anh đày Bà Rá, Côn Lôn
anh đoạ Sơn La, Lao Bảo . . .
anh đoạt hết cơm hết áo
anh giựt hết bạc, hết vàng. . .
chặt đầu ông lão treo hàng thịt
mổ mật thanh niên giữa chiến tràng
cối quết trẻ thơ văng nát óc
phanh thây sản phụ đốt thành than!
Con lìa mẹ
vợ xa chồng
. . .  &quo
t;

Tất cả tội ác ấy cũng chính là tội ác của Mỹ – Diệm đang tiến hành ở miền Nam. Trong đoạn này, văn biền ngẫu sử dụng như một bản cáo trạng đanh thép. Người đọc cảm nhận một giọng thơ vừa quen, vừa mới, nhưng không cảm thấy gò bó của loại văn biền ngẫu cổ điển. Chất cổ điển làm bài thơ mạnh mẽ, chất dân ca làm cho tác phẩm uyển chuyển, nhẹ nhàng. Sự phối hợp thật tài hoa.

BÀI HỊCH ĐUỔI MỸ

"Những gì tôi hận
những gì tôi khinh
giờ đây bước xuống tàu binh
trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua"

Đó chính là chất nhân văn trong tâm hồn người Việt. Lê Lợi từng cấp ngựa và lương thực cho tướng bại trận Vương Thông. “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cũng có ý kiến cho rằng, lịch sử làm sao bỏ qua? Nói như thế thì chưa hiểu hết tứ thơ của Truy Phong. Khổ thơ sau, ông nói về nền văn minh nước Pháp, lịch sử cách mạng Pháp. Thực dân Pháp đi ngược lại nền văn minh Pháp, lịch sử cách mạng Pháp. Những gì tiến bộ, những gì văn minh của người dân Pháp, chúng ta trân trọng, chúng ta và nhân dân lao động trên thế giới không bao giờ bỏ qua những chính sách thực dân, đế quốc.

"Anh về nước Pháp xa xôi
chắc anh bao giờ quên được
. . . .
suối Yên Thế tuôn tràn hậm hực
đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng
Tháp Mưòi hận nước mênh mông
U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi.
. . . . .
Tham lam, anh muốn vô xâm chiếm
thì giặc vào đây, chết ở đây!
Đinh ninh anh nhớ một lời
ngày mai thống nhứt liền đôi bến bờ"

Đó cũng chính là gián tiếp tố cáo Mỹ.

Thực ra, Truy Phong không “bỏ qua” lịch sử, mà bỏ qua “những gì tôi hận, những gì tôi khinh”. Kết cục bi thảm của người Pháp cũng là một cảnh báo cho người Mỹ.

Tác giả minh chứng lịch sử kháng chiến để nói lên một chân lý : đế quốc đã, đang và sẽ thất bại trước quyết tâm sắt đá của người Việt Nam.

Một bài thơ có một giá trị lịch sử đặc biệt nhưng ít được nhiều người đương đại nhắc đến. Về hình thức, có kết hợp hết sức sáng tạo các thể văn biền ngẫu, thơ mới, dân ca tạo nên một hiệu ứng đặc biệt. Thể hiện một nội dung đặc biệt như một bài cáo thị của người chiến thắng, như bài Cáo bình Ngô, vừa như một bài hịch chống Mỹ, ở một thời điểm hết sức nhạy cảm của lịch sử : vừa đấu tranh buộc kẻ thù thực hiện Hiệp định Genève, vừa phải chuẩn bị cho nhân dân đương đầu với một cuộc kháng chiến trường kỳ mới.

Đó chính là sự kết hợp tài hoa của nhà thơ miệt vườn Truy Phong trong một tác phẩm văn học.

Nguyễn Văn Tấn – Theo SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *