Người ta khác nhau. Điều này dễ đồng ý, bởi vì mỗi người đều tự thấy mình khác người chung quanh, kể cả người thân thiết ruột thịt. Tôi đã quan sát một cặp bạn của mình hơn ba mươi năm, thuở cả hai cùng là bạn học, thấy họ là một cặp lý tưởng : gia đình môn đăng hộ đối, thể hình đều cao ráo xinh đẹp, học lực và ngành nghề, lý tưởng như nhau, và thuở mới yêu nhau đó, họ ăn cùng que kem, uống chung ly cà-phê đá, chọn cùng hàng vải để may áo. Sau đó, họ cưới nhau, sống với nhau cho đến bây giờ, tôi thấy họ vẫn là một cặp thủy chung. Nên tôi chưng hửng khi đứa con trai của họ, năm nay 20 tuổi, nói về ba má của mình : “Hai người là một trời một vực, cháu chưa từng thấy ai mà tính cách, quan điểm, thói quen khác biệt như ba má cháu”.

Thì thực ra nhiều cặp vợ chồng khác, nhiều gia đình, trong đó anh chị em ruột, thậm chí sinh đôi, cũng rất khác biệt nhau, cho dù đã chia sẻ chung môi trường sống nhiều chục năm, hay từ khi mới chào đời cho đến lúc trưởng thành. Người ta khác nhau với tư cách những cá thể. Và với tư cách những quần thể, người ta cũng khác nhau. Khi cùng ở trong nước với nhau, chúng ta thấy người Sài Gòn khác người Hà Nội, người miền Tây khác người miền Trung. Khi ra nước ngoài, chúng ta đều trở thành người Việt, và khác với người Mễ, người Pháp, người Mỹ da trắng, người Mỹ gốc Phi. Tất nhiên, khi ra ngoài trái đất, tất cả con người trở thành một quần thể nhân loại khác với (nếu có) những sinh vật thuộc các hành tinh khác.

Đôi khi, tôi cũng mơ màng một thế giới phẳng, mọi con người trên trái đất là công dân thế giới, chỉ có những giá trị nhân bản được đề cao chứ không phải những giá trị văn hóa mang tính quốc gia, dân tộc, vùng miền. Với thế hệ tôi, có thể đó chỉ là một một giấc mơ để mơ thôi. Với những người đang tuổi hai mươi bây giờ, có thể đó là tương lai họ có thể đi tới được. Thế giới đang thay đổi ở mức độ và chiều hướng mà ít ai dám nói chắc điều gì sẽ xảy ra trong nửa thế kỷ tới. Nhưng hiện tại thì những nỗ lực duy trì sự khác biệt văn hóa đang mạnh mẽ và thế giới con người đang tồn tại sự đa dạng về tôn giáo, chủng tộc, hệ thống chính trị, giai tầng xã hội…

Khác biệt là thực tế, nên sự phân biệt là tất yếu. Khi có sự phân biệt thì kẻ ở vị trí có ưu thế hay thuộc đa số áp đảo không bận tâm về sự phân biệt hay kỳ thị. Chẳng hạn ở trong nước mình thì một người dân tộc Kinh không bận tâm vấn đề chủng tộc, vì họ là đại đa số, và trong thiết chế xã hội Việt Nam hiện nay, họ có ưu thế tuyệt đối. Những thanh niên Việt du học ở nước ngoài mà tôi có dịp gặp gỡ thường xuất thân từ một gia đình người Kinh, ở đô thị, mức sống trên trung lưu. Những bạn trẻ này nếu không phải là người quen được hưởng ưu tiên trong xã hội mình lớn lên, thì cũng hiếm khi bị đối xử kỳ thị. Nên khi đi du học ở nước ngoài, không ít các bạn trải qua cơn sốc kỳ thị.

Một bạn trẻ mới sang Mỹ bực bội nói : “Tôi không muốn ở chung phòng với một thằng Nhọ”. Bạn cho là mình bị đối xử kỳ thị, (có thể), nhưng chính bạn cũng là kẻ kỳ thị. Bạn muốn kết thân với những bạn da trắng. Sau nhiều lần dọn ra dọn vô ký túc xá và tìm nhà trọ để “share”, ở chung với những người khác, bạn dần nhận ra sau tất cả những lịch sự, thân thiện, hiếu khách của những “chủ nhà”, bạn vẫn đứng ngoài rìa. Dần dần, bạn hiểu ra mình là “người Á châu”, nhưng bọn Á châu khác như Nhật, Hàn, Trung quốc, Thái, thậm chí Philippines, cũng không chịu đánh đồng họ với bạn. Bạn mua sắm, tiêu tiền thoải mái để chứng tỏ mình không nghèo, cho dù là người Việt Nam. Bạn phát biểu phóng khoáng, tỏ ra tự do, cấp tiến, chứ không phải… cộng sản. Nhưng rồi bạn nhận ra, ngay cả người Việt định cư ở Mỹ cũng kỳ thị bạn. Họ tin chắc bạn là “con ông cháu cha” sang Mỹ để ăn chơi, rửa tiền, hoặc… nằm vùng. Và bạn mới mười tám mười chín tuổi, hoàn toàn không được chuẩn bị đối phó với thực tế này.

Một năm sau, người bạn trẻ đó điểm lại thì thấy mình có được một mớ bạn bè đủ các sắc tộc, đã thân quen với một số gia đình người Mỹ gốc Việt. Tiếng Anh của bạn đã khá hơn, khiến cho sự giao tiếp và hiểu biết với người chung quanh tốt hơn, việc học đã trôi chảy, và cuộc sống đã quen. Bạn nhận ra tụi sinh viên Mỹ tính toán chi tiêu cẩn thận. Bạn khám phá ra một trong những giáo sư của mình theo chủ nghĩa cộng sản – ông treo lá cờ búa liềm ngay trước cửa văn phòng ông, cạnh chân dung Obama, vẫn được sinh viên ngưỡng mộ, coi là “liberal” – tự do.

Bạn đã dần lấy lại được lòng tự tin, xác định cái gì là “giá trị” của mình, biết quan sát và tôn trọng sự khác biệt. Vẫn còn nhiều điều bạn chưa thực sự hiểu hay vượt qua được. Nhưng bạn đã học bài quan trọng nhất : tôn trọng sự khác biệt nhưng phải vượt qua sự kỳ thị.

Lý Lan
(Báo Sinh viên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *