Vú sữa được xem là một trong những loại cây ăn trái đặc sản mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nông dân ở ĐBSCL. Mỗi ha có thể cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Có nhiều giống khác nhau như vú sữa Lò rèn, vú sữa nâu, vú sữa bơ hồng,…tùy điều kiện từng nơi mà bà con khai thác tiềm năng của chúng để nâng cao thu nhập cho gia đình.

 

Nông dân Võ Văn Tư ở ấp Bình Hòa B, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã rất thành công với mô hình trồng vú sữa Lò Rèn và vú sữa nâu.

Với trên 350 ha diện tích trồng vú sữa, Bình Trưng là một trong số những địa phương có diện tích trồng cây ăn trái đặc sản này khá lớn của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vú sữa cũng là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhiều hộ ở đây trồng chuyên canh loại cây ăn trái đặc sản này đã vươn lên làm giàu và trở thành những mô hình tiêu biểu để nông dân gần xa học tập.

 

 Ngoài giống vú sữa Lò Rèn nổi tiếng, mấy năm nay, vùng này còn nổi lên một giống mới đó là vú sữa nâu. Sở hữu khoảng 70 gốc vú sữa nâu 7 năm tuổi, gia đình Ông Võ Văn Tư, ở ấp Bình Hòa B, xã Bình Trưng được xem là một trong số ít những hộ tiên phong với diện tích trồng nhiều – giống vú sữa mới này tại địa phương.

Sống và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, thời trai trẻ ông Võ Văn Tư cũng khăn gói lên đường ra trận. Sau ngày giải phóng, ông trở về gia đình và được xác định là thương binh hạng 2. Dù mất đi một phần sức lao động, nhưng ông Tư quyết chí làm ăn.

 

Ra riêng với 2 công đất được chia, vợ chồng ông kiên quyết không để đói nghèo. Mấy chục năm lập nghiệp cũng là chừng ấy thời gian ông bôn ba khắp các nơi, có khi ra tận Miền Đông, để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống. Ông cho biết, nhà ít đất lại đông con, nếu cứ lấy sức ra mà làm thì ông không gánh nỗi, phải tìm cách khác hiệu quả  hơn.

Thế là ông nghĩ đến nghề mộc mà ông vốn có khiếu từ lâu. Nhờ trại mộc nhỏ ấy mà ông có cơ hội tích lũy tiền mua thêm hơn chục công đất. “Là nông dân, đi đâu, làm gì rồi cũng phải gắn với đất”, nghĩ vậy, nên khi có đất đai nhiều, ông thôi làm nghề môc, chuyển sang chuyên tâm đầu tư làm vườn.

Hồi trước ông trồng cam sành, rất trúng, và khá lên nhờ cây chúng. Tuy nhiên, nhiều năm sau, vườn cam hết năng suất, và đất không thể trồng lại cây có múi nữa nên ông tìm cây khác. Sau khi khảo sát nhiều nơi, ông chọn  cây đặc sản của quê mình là vú sữa. Hiện nay, với gần 15 công vườn, ông trồng 2 giống gồm 70 gốc vú sữa nâu và trên 120 gốc vú sữa Lò rèn, mỗi năm cứ đến mùa khoảng tháng 10 tháng 11 âm lịch, gia đình ông được dịp thu lãi vài trăm triệu đồng.

 

Nhiều nhà vườn ở đây còn cho biết, do mùa vụ của vú sữa nâu sớm hơn Vú sữa Lò rèn gần 1 tháng nên thông thường, giá bán rất cao vào lúc đầu vụ. Khoảng cuối vụ giá có giảm đôi chút nhưng không đáng kể, khi thấp lắm nhà vườn vẫn bán được từ 12 đến 15 ngàn đồng/trái. Với mức giá như vậy, bà con trồng vú sữa có thể an tâm canh tác.

Mặc dù hiện nay vú sữa nâu chưa có thương hiệu chính thống như giống vú sữa Lò rèn, nhưng với hiệu quả từ thực tế của các nhà vườn trong thời gian qua, rõ ràng đây là một giống cây cần được quan tâm quảng bá, duy trì và nhân rộng.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *