Bên bờ hạnh phúc

Hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 300 triệu USD. Tuy nhiên, xuất siêu lại do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, thể hiện sự hấp thụ của nền kinh tế bị suy giảm, mặt khác sẽ tác động đến việc duy trì và phát triển sản xuất trong thời gian tới

Nhập khẩu giảm thì tăng trưởng giảm

Thị trường nước ngoài đã tiêu thụ trở lại cá ba sa, nhưng Việt Nam lại thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: chế biến cá ba sa xuất khẩu tại FAQUIMEX, Bến Tre. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đối với Việt Nam, nhập khẩu có vai trò quan trọng trên nhiều mặt. Nhập khẩu cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất trong nước, trong đó có một phần quan trọng được dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Nhập khẩu cung cấp hàng hoá tiêu dùng mà trong nước chưa sản xuất được, sản xuất chưa đủ hoặc sản xuất không có hiệu quả.

Tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu so với GDP tăng nhanh qua các năm (từ 39,2% năm 1995 lên 50,1% năm 2000, lên 69,2% năm 2005 và lên 91,1% năm 2008), hiện đã thuộc loại cao trên thế giới.

Như vậy nhập khẩu có tác động trực tiếp (ở đầu vào) và gián tiếp (ở đầu ra) đối với tăng trưởng kinh tế.

Số liệu thống kê lịch sử cho thấy do tác động của cuộc khủng hoảng khu vực, đã làm cho tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu bị sụt giảm mạnh (năm 1996 còn tăng tới 36,6%, nhưng năm 1997 chỉ còn tăng 4%, năm 1998 giảm 0,8%, năm 1999 tăng 2,1%; tăng trưởng GDP cũng giảm tương ứng.

Điều đó có nghĩa là nhập khẩu tăng thấp hoặc giảm cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế giảm theo.

Lịch sử lặp lại?

Từ nửa cuối năm ngoái đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhập khẩu có dấu hiệu lặp lại như cách đây mười năm, tức là nhập khẩu có xu hướng tháng sau thấp hơn tháng trước (trừ tháng 12.2008 so với tháng 11.2008 và tháng 2.2009 so với tháng 1.2009) và thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tăng trưởng kinh tế quý 4/2008 bị sụt giảm và tăng trưởng kinh tế cả năm 2008 chỉ còn 6,23%, thấp hơn tốc độ tăng của chín tháng.

Tính chung hai tháng đầu năm 2009, nhập khẩu chỉ đạt 7,73 tỉ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm lớn hơn nhiều so với tốc độ giảm 5,1% của kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, hai tháng đầu năm 2009 đã xuất siêu 0,3 tỉ USD (trong đó tháng 1 xuất siêu 0,4 tỉ USD, tháng 2 nhập siêu 0,1 tỉ USD). Đây là hiện tượng đầu tiên tính từ tháng 2.1996, Việt Nam đã xuất siêu.

Nhập khẩu giảm do cả hai yếu tố: giá giảm và do cả lượng nhập giảm. Trong các nhóm hàng giảm, có cả sản phẩm xa xỉ, nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Ô tô nguyên chiếc hai tháng nhập khẩu 2.600 chiếc, với kim ngạch 57 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 27% về kim ngạch. Sản phẩm xa xỉ tiếp tục giảm mạnh. Phôi thép giảm 27% về lượng, giảm 18% về kim ngạch. Máy móc thiết bị giảm 24% về kim ngạch.

Việc xuất siêu là đáng mừng trong điều kiện ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn khác có xu hướng giảm, tạo sức ép đối với tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, xuất siêu lại do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Trong đó có những mặt hàng nhập giảm là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, thì một mặt thể hiện sự hấp thụ của nền kinh tế bị suy giảm, mặt khác sẽ tác động đến việc duy trì và phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *