Mô hình “Cánh đồng lớn” đã đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong điều kiện diện tích canh tác còn thấp.

Ngày 25/4 tại Cần Thơ, Văn phòng Ban chỉ đạoTrung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức hội thảo “Cánh đồng lớn”.

Đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội nông dân Việt Nam, Sở Nông nghiệp các tỉnh thành Đông, Nam bộ cùng đông đảo các nhà khoa học ở các Viện, trường Đại học tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo ông Tăng Minh Lộc –Chánh văn phòng điều phối- Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng mô hình “Cánh đồng lớn” đã đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong điều kiện diện tích đất canh tác bình quân đầu người còn thấp và ruộng đất manh mún do phân tán cho nhiều hộ.

Mô hình này giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản, nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất hàng hóa là liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tại hội thảo nhiều đại biểu đặt ra câu hỏi là làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất lúa gạo tại các cánh đồng lớn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ – Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, Đại học Cần Thơ cho rằng, trong thời gian qua việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với doanh nghiệp theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ hiệu quả đem lại chưa cao. Quyền lợi giữa doanh nghiệp và nông dân chưa được hài hòa nên tính liên kết thiếu bền vững. 

Bên cạnh đó nhiều đại biểu cũng lo lắng khi các “Cánh đồng lớn”  sản xuất ra lượng hàng hóa lớn, thu hoạch đồng loạt, nhưng thực tế giải pháp sau thu hoạch chưa đảm bảo. Cụ thể như máy gặt đập, máy sấy, bảo kho quản chưa đáp ứng, tình trạng nông dân bán lúa tươi hiệu quả thu nhập thấp, lúa bảo quản không đảm bảo dẫn đến gạo kém chất lượng. Việc thu hoạch số lượng lớn cùng thời điểm làm cho giá lúa bị giảm. 

Theo ông  Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cả nước hiện có 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Do vậy ông đề xuất Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp đều có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu riêng. Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vốn đầu tư giống lúa, phân bón và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân. Làm như thế nông dân sản xuất an tâm đầu ra, lúa sản xuất đồng loạt một loại giống, đủ tiêu chuẩn và chất lượng xuất khẩu; doanh nghiệp từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Để mô hình cánh đồng lớn đạt hiệu quả cao, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bảnh – Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất trong thời gian tới cần xác định rõ vai trò chủ yếu của đối tác trong quan hệ liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã và các nhà khoa học, ngân hàng…. để có biện pháp quản lý, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả liên kết; Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ các điối tượng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phâm chủ lực, trong đó ưu tiên  hiện mô hình “Cánh đồng lớn”./.

Theo Hữu Trãi/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *