Hàng trăm ngư dân làng chài Cửa Sức (Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận) – một vùng biển đẹp, hoang sơ – đã khá lên nhờ cách bắt tôm hùm rất đặc biệt.

Trên quốc lộ 1A, đoạn nhà máy nước suối Vĩnh Hảo, đi chừng 3 km đường dọc theo núi Tàu là đến Cửa Sức. Làng chài nhỏ với 60 nóc nhà, hơn 420 nhân khẩu nằm bên eo biển khá đẹp, nước xanh trong vắt dưới khí trời dìu dịu.

Dùng đá nhử tôm

Người chúng tôi gặp đầu tiên là ông xóm trưởng Đoàn Xuân Dũng (46 tuổi) trong căn nhà xây khá đẹp. Ông Dũng cho biết từ bao đời nay, cư dân Cửa Sức sống chủ yếu dựa vào biển với nghề lưới, nghề câu… 10 năm truớc đây, cũng như nhiều nơi, nghề lưới và câu ở Cửa Sức trải qua nhiều lao đao. Thu nhập sau mỗi chuyến biển ít ỏi đến mức có người tính chuyện bỏ làng đi tìm việc khác kiếm sống. May mắn thay, người trong làng phát hiện ra Cửa Sức chính là mỏ tôm hùm giống. Một người biết rồi cả làng biết. Cửa Sức khởi sắc lên từ đấy. Có người sau một đêm, sáng ra bỏ túi gần chục triệu đồng nhờ tiền bán tôm giống. Mùa tôm giống là cả làng như vào hội, thương lái cưỡi xe máy đi đi lại lại. Sau mỗi mùa tôm, người dân lại xây nhà, mua xe…

Biển Cửa Sức đẹp, hình cánh cung, nguyên vẹn nét hoang sơ. Biển không quá sâu, có rặng san hô ngầm là nơi trú ngụ ưa thích của tôm. Dân làng cho biết: Tôm hùm mẹ sinh sản vào hai mùa chính, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch và tháng 11 sang tháng 2 âm lịch. Những con tôm mẹ to kềnh càng, mỗi lần đẻ hàng vạn trứng. Trứng tôm hùm theo dòng nước tấp vào bám rặng san hô. Từ đây, trứng nở ra tôm con, sống trong rặng đá sâu vài mét nước.

Ông Dương Cư – người khai sinh ra nghề thả đá ở làng Cửa Sức với những cục đá san hô làm tổ nhân tạo nhử tôm hùm. Ảnh: MINH CHIẾN

Thế nhưng để bắt được con tôm nhỏ như cọng tăm nằm trong hang hốc ló ra ngoài mấy cọng râu phơ phất thật không dễ dàng gì. Của khó thì… người khôn. Người dân nảy ra sáng kiến lấy những cục đá san hô bằng trái bóng, khoan đục vào đó hàng chục lỗ to và sâu chừng ngón tay út để làm chỗ ở nhân tạo cho tôm con. Hàng trăm cục đá san hô được buộc vào tấm lưới, cục này cách cục kia từ một đến vài gang tay. Bên trên cùng của tấm lưới, người ta buộc một sợi dây thừng bện chắc chắn, gọi là dây triên, có gắn phao xốp để tạo thành một dụng cụ vừa như tổ ong vừa như lưới cá, thả lưng chừng trong nước. Đêm, tôm hùm con bò đi kiếm ăn, gặp những chiếc tổ nhân tạo bèn chui vào trú ngụ, còn những con bơi lơ lửng trong nước thì bám vào lưới. Cứ mỗi ngày người dân đi kiểm tra, nhấc đá bắt tôm.

Khắp làng nhà nào cũng có đá san hô đục lỗ, phao xốp và lưới cũ. Ra đến cửa biển cũng gặp nhiều người đang cặm cụi sửa chữa những chiếc bẫy đá. Trong các nghề biển, nghề thả đá không tốn kém nhiều tiền bạc đầu tư, công việc và thời gian nhàn hạ, chẳng phải lo ngay ngáy khi thời tiết bất thường như nghề lưới, nghề câu… Ông Dũng khẳng định: Đây là nghề chủ đạo trong làng. Nghề này không đòi hỏi kỹ thuật cao, già trẻ, gái trai đều làm được. Giờ đây, gần như 100% lao động của làng tham gia. Người ít cỡ vài trăm hòn đá, người nhiều một thiên (ngàn), hai thiên…

Niềm vui làng nhỏ…

Khác với sự ồn ào náo nhiệt thường thấy ở nhiều nơi, biển Cửa Sức ít tiếng ghe tàu, chỉ có những chiếc thúng chai dập dềnh trên sóng nước. Ông Dương Cư (52 tuổi), cư dân của làng cùng đứa cháu bơi chiếc thúng chai kiểm tra dàn bẫy đá. Xoài chân giữ độ nghiêng của thúng, ông Cư cúi rạp người xuống sát nước, với tay vào sợi dây, nhấc từng cục đá dưới biển lên. Đứa cháu đẩy nhanh chiếc vợt lưới hứng liền phía dưới, dán mắt vào từng chiếc lỗ nhỏ trong sự hồi hộp đợi chờ. Hai khuôn mặt già – trẻ lúc dãn ra, lúc co lại theo sự lên xuống của đá. Sau 1 giờ đồng hồ mỏi tay, đỏ mắt và đánh vật cùng sóng nước, hai ông cháu vào bờ. “100.000 đồng hai cái đinh này đó chú” – ông Cư nói và đưa chiếc lọ bé xíu đựng hai con tôm lên khoe. Nhìn căng mắt mới thấy hai con tôm nhỏ, màu hơi trắng. Nếu như không có cặp râu dài ngoằng (đặc trưng của loài tôm hùm) đang ngoe nguẩy thì tôi tin chắc rằng đó là con tép. Ông Cư cho biết do gần cuối mùa sinh sản nên tôm ít hơn. Hôm nào may mắn mới trúng ba, bốn con. Cả nhà ông làm nghề thả đá 10 năm nay. Từ căn nhà tre cót, nay ông đã xây được căn nhà kiên cố, mua xe máy, sắm đồ dùng sinh hoạt.

Con tôm hùm giống bé xíu với cái râu dài ngoằng đặc trưng. Ảnh: MINH CHIẾN

Tôm hùm là loài giáp xác có đặc tính tự nhiên, không thể sinh sản trong môi trường nhân tạo. Do đó, hầu hết các trại nuôi tôm hùm lồng bè trên biển rất khan hiếm nguồn tôm giống. Trong làng, ai bắt được tôm là có thương lái đến tận nhà mua. Một con tôm đinh có giá 50.000 đồng, trong khi tôm sen thì cao hơn nhiều. Con nào dưới một lạng có giá 450.000 đồng, con một lạng giá 500.000 đồng. Thường ngày chỉ cần trúng được một con tôm sen sẽ bỏ túi nửa triệu đồng.

Nghề thả đá là nghề làm giỡn ăn thiệt. Mấy năm nay tôm khan hiếm, giá khá cao, người dân thu nhập khá. Nhưng cư dân làng chài ai cũng hiểu được ích lợi lâu dài chứ không ham cái lợi trước mắt. Tâm sự với chúng tôi, ông Dương Văn Tư (84 tuổi), người cao niên nhất và định cư đầu tiên tại làng biển này, nói như đinh đóng cột: “Biển thất cũng do cách con người đối xử với biển. Của cải không phải là vô tận nhưng nếu biết yêu quý biển thì biển cũng chẳng phụ công người”. Thì ra khác với những nghề biển khác, nghề thả đá là hoàn toàn tự nhiên, không mang tính hủy diệt. Chính vì vậy biển làng chài vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, trong lành. Sản vật từ biển nuôi sống cả làng chài.

“Nghề thả đá mang đến niềm vui, đổi thay diện mạo làng chài. Nhà cửa được xây cất khang trang, đời sống bớt phần cơ cực, trẻ em có điều kiện tới trường học hành. Đến giờ cả làng đã có năm sinh viên tốt nghiệp đại học. Chuyện này trước đây chưa hề có” – xóm trưởng Đoàn Xuân Dũng kể với giọng đầy tự hào.

Hiện nay phong trào nuôi tôm hùm lồng các tỉnh miền Trung phát triển khá mạnh, cần số lượng tôm giống khá cao. Khi vào mùa cao điểm, mỗi ngày Cửa Sức cung cấp từ 1.000 đến 1.3000 con tôm hùm giống.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *