Bên bờ hạnh phúc
Các cụ ông, cụ bà hăng say sinh hoạt văn nghệ.

Hơn một năm qua, tối thứ 7 hằng tuần, đông đảo bà con ở nhiều thôn, bản của xã Hồng Kim trong trang phục đồng bào dân tộc Pa Cô lại đến Nhà văn hóa làng Việt Tiến. Họ cùng nhau uống chén rượu đoác, đồng ca những câu hát cùng điệu nhảy truyền thống của dân tộc Pa Cô. Ông Hồ Zưi ngân lên câu hát đối đáp của chàng trai và cô gái Pa Cô: “Anh sinh ra lúc trăng tròn/ Qua bao mùa nương, mùa rẫy/ Qua mấy mùa rừng thay lá/ Em như mặt trăng, mặt trời, như sao anh muốn ngắm…”. Bên cạnh làn điệu dân ca, câu hát dân tộc còn có những bài ca cách mạng gắn liền với vùng đất A Lưới trong chiến tranh. Già làng Quỳnh Lưu, Đội trưởng đội văn nghệ, cho biết: “Từ ngày có đội văn nghệ, bà con thôn, bản mình vui lắm. Mọi người cùng hát, cùng múa những điệu hò, câu hát quê mình”.

Nếu như trước đây chỉ có những người lớn tuổi tham gia buổi văn nghệ thì nay lớp trẻ cũng tham gia. Em Hồ Thị Mia, 19 tuổi, xã Hồng Kim, tâm sự: “Tham gia buổi sinh hoạt văn nghệ của các ông, các bà, cháu biết thêm nhiều câu hò, điệu múa của dân tộc Pa Cô mà bấy lâu nay cháu không biết”. Ông Lê Dừa, Trưởng phòng Văn hóa huyện A Lưới, nói: “Trong khi những câu hát, điệu nhảy của đồng bào Pa Cô đang dần mai một, thì các cụ trong đội văn nghệ ở xã Hồng Kim đã làm sống dậy những giá trị văn hóa quý báu nơi đây”.

Tuy nhiên, già làng Quỳnh Lưu còn băn khoăn một điều. “Mình làm bằng tinh thần và vật chất của các thành viên trong đội. Mình cũng lo vì trong đội đều là những người lớn tuổi, nếu không đủ vật chất thì đội văn nghệ cũng khó mà giữ được lâu”. Theo ông Dừa, chính quyền huyện ủng hộ về mặt tinh thần và tạo điều kiện để đội văn nghệ của các cụ hoạt động, còn về hỗ trợ kinh phí thì đội văn nghệ không nằm trong quy định để được hỗ trợ.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *