Bên bờ hạnh phúc

Hai đề nghị lớn nhất của các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong cuộc họp ngày 19/01 tại Hà Nội bàn về phương hướng triển khai xuất khẩu năm 2009 là chưa tăng giá điện và tiếp tục hạ lãi suất.

Tại sao chưa nên tăng giá điện?

“Thời điểm này tăng giá điện là chưa phù hợp”, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dệt may Việt Nam là người phát biểu đầu tiên và cũng đưa ra đề xuất này tại hội nghị.

Ông cho rằng các ngành hàng, các thị trường xuất khẩu truyền thống của các ngành, trong đó có dệt may đều đang gặp khó khăn. Thị trường cũ thì ngừng các đơn đặt hàng, thị trường mới thì việc xúc tiến còn nhiều khó khăn do chính sách thuế của các nước (ví dụ như thị trường Nga thuế cao). Tỷ lệ thất nghiệp hiện làm các doanh nghiệp dệt may đau đầu. Vì thế, việc tăng giá điện sẽ làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp.

Đề nghị chưa tăng giá điện

Ý kiến của ông Ân nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Ông Dũng nói: “Nếu giá điện tăng, mọi hỗ trợ từ Chính phủ như hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế có thể đều âm vì cái nọ không bù được cái kia, doanh nghiệp cũng chưa thoát được. Vậy đề nghị chưa tăng giá điện”.

Một số doanh nghiệp khác có mặt tại cuộc họp cũng kiến nghị tương tự.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nói rằng bộ này đã trình phương án tăng giá điện lên Chính phủ từ trung tuần tháng 12-2008, nay không thể cũng chính họ lại đề xuất chưa tăng giá. Hay nói khác đi là Bộ Công Thương vẫn bảo lưu quan điểm tăng giá điện trung bình từ 8% đến 10% để giải quyết các vấn đề đầu tư vào nguồn cung điện, dù tình hình sản xuất hiện nay đang chịu nhiều tác động khó khăn.

Kiến nghị tiếp tục hạ lãi suất

Vấn đề được tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội có đại diện tại cuộc họp đồng loạt kiến nghị là việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất cơ bản để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay; vì mức trần lãi suất cho vay hiện nay là 12,75% vẫn còn là quá cao so với các quốc gia khác, gây khó cho doanh nghiệp. Chưa kể đến nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận vay vốn vào thời điểm lãi suất 18% đến 21% hiện còn đang là gánh nặng.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, than thở rằng ngành điều là một trong ba ngành tăng trưởng xuất khẩu cao nhất năm 2008 với mức tăng 39% kim ngạch xuất khẩu, nhưng thực tế cũng đang khó như ngành khác và thực ra doanh nghiệp lỗ nhiều vì lãi suất vay quá cao. Ông đề nghị hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp sản xuất hàng chế biến, chế tạo thiết bị công nghệ, nếu không đầu vào sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, hiện nay đình trệ, nông dân và ngư dân đều gặp khó.

Ông Ân cũng đề xuất tiếp tục bù lãi suất cho các doanh nghiệp dệt may, ngoài mức bù 4% từ gói kích cầu 17.000 tỉ đồng mà tất cả các doanh nghiệp được hưởng. “Hỗ trợ 4% lãi suất mới chỉ là hỗ trợ ngắn hạn năm 2009, còn các dự án cho trung và dài hạn của ngành thì đề nghị bù lãi suất 50% do các mức lãi vay hiện nay còn rất cao”, ông Ân nói.

Ông Dũng cũng so sánh mức lãi suất cơ bản của Chính phủ Thái Lan hiện ở mức 2%, ở Mỹ và châu Âu thậm chí xuống gần 0% nhưng tốc độ hạ lãi suất ở nước ta (đến 5 lần) nhưng mức độ chưa kịp với tình hình. Do vậy ông đề nghị nếu xuất khẩu ngành thủy sản năm 2009 không muốn bị hạ chỉ tiêu bởi vô số những khó khăn thì việc hỗ trợ giảm lãi suất phải là phương án hàng đầu.

Trong vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên tỏ ra đồng tình với các hiệp hội và doanh nghiệp. Ông cho biết đã hỏi ý kiến hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia và các chuyên gia này cho rằng, thay vì bù lãi suất thì tốt nhất là tiếp tục hạ lãi suất. “Doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh kém hơn doanh nghiệp nước ngoài một phần vì lãi suất cao hơn nên chi phí lớn hơn và lợi nhuận thấp đi”, ông nói và đề nghị đại diện Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước có giải thích cho doanh nghiệp.

Trả lời về lãi suất, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Danh Trọng có giải thích rằng, ở các quốc gia khác, lãi suất của các ngân hàng trung ương rất thấp hoặc gần bằng 0% nhưng thực tế không phải là lãi suất thực đến tay doanh nghiệp mà chỉ là lãi suất ngân hàng trung ương cho ngân hàng thương mại vay. Còn khi các doanh nghiệp vay của ngân hàng thương mại thì mức lãi suất này được tính là chi phí vay vốn liên ngân hàng, lãi suất Libor và Cibor cộng với chi phí khác cũng rơi vào mức 6% đến 7%, không phải lãi suất công bố ban đầu.

Ông cũng cho hay là Ngân hàng Nhà nước đã đệ trình Chính phủ hướng giải quyết gói kích cầu 17.000 tỉ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ bù lãi suất 4% chỉ sau khi các doanh nghiệp đã trả nợ ngân hàng chứ không phải bù ngay từ khi bắt đầu vay vốn do Ngân hàng Nhà nước e ngại bù cho các hợp đồng chiếm dụng vốn vay không đúng mục đích kích cầu sản xuất.

Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,7 tỉ đô la Mỹ (tăng 29,3% so với năm trước). Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2009 là 80,7 tỉ đô la, như vậy mức tăng đề ra chỉ còn 13% so với 2008.

Theo Ngọc Lan (VietStock)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *