Bên bờ hạnh phúc

Trong ngày hôm qua, tỉnh Lai Châu đã có hơn 10 vụ cháy rừng, tập trung tại các huyện Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên và Tam Đường.

Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng (PCCR) Lai Châu cho biết, những diện tích rừng thiệt hại chủ yếu thuộc rừng tái sinh, rừng trồng của người dân.

Người dân tại bản Cốc Phung (Tam Đường, Lai Châu) đang dập cháy rừng. Ảnh: T. S.

Chữa cháy gặp nhiều khó khăn

Cháy rừng lộ ra… nương thuốc phiện

Theo ông Nguyễn Đình Huyển, Bí thư Đảng uỷ xã Huổi Một (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), trong khi đang dập lửa, lực lượng cứu hộ rừng lại phát hiện ra đám nương thuốc phiện do người dân trồng trong rừng sâu khu vực bản Túp Phạ, nơi giáp ranh giữa hai huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Nương thuốc phiện này rộng hơn 200 m2. Ông Huyển cho biết: “Cũng may là nương thuốc phiện này hình như đã bị chủ bỏ hoang không chăm sóc nên cây lưa thưa, cằn cỗi, nên chúng tôi dễ dàng triệt phá”. Dương Loan

Hai điểm cháy nguy hiểm nhất diễn ra tại hai xã Phúc Khoa và Nậm Chăn (huyện Than Uyên). Theo ông Quảng, đến tối hôm qua (4/3), lực lượng PCCR vẫn chưa thể tiếp cận để dập tắt đám cháy do địa hình hiểm trở, độ dốc cao. Riêng đám cháy tại xã Phúc Khoa đang có chiều hướng lây sang khu vực rừng đệm của rừng Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai).

Địa hình đồi núi phức tạp gây cản trở trong việc quan sát, tiếp cận nên chỉ khi đám cháy bùng phát to mới được chính quyền địa phương phát hiện. Mặt khác, nhiều điểm cháy tại Phong Thổ, Tam Đường tuy đã được dập tắt vào sáng 4/3 song tới trưa cùng ngày lại bùng phát. “Hàng ngàn người, bao gồm cả kiểm lâm, biên phòng, bộ đội cùng người dân địa phương đã được huy động để chiến đấu với giặc hỏa”, ông Quảng nói.

Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Lai Châu vẫn chưa thống kê xác định được diện tích rừng bị thiệt hại. Theo ông Quảng, nguyên nhân dẫn đến bùng phát hàng loạt vụ cháy rừng là do thời tiết khô hanh, gió lớn, chất lượng rừng kém và đặc biệt do tập quán canh tác lạc hậu của người dân địa phương.

Lực lượng dân quân xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, bàn phương án tác chiến phòng chống cháy rừng. Ảnh: Dương Loan.

Dập mãi nhưng không hết cháy

Tại Sơn La, 18h hôm qua, chính quyền huyện Phù Yên cho biết đã dập tắt được đám cháy tại khu vực rừng đặc dụng Tà Sùa. Trong khi diện tích rừng thiệt hại tại đây chưa được thống kê thì ông Hoàng Trí Thức, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết khu rừng này lại đang bị “bà hỏa” tàn phá trên địa phận thuộc huyện Bắc Yên.

“Chiều 4/3 ngoài lực lượng tại địa phương, chúng tôi đã huy động cả tiểu đoàn bộ binh hơn 200 người xuống để khoanh vùng, dập cháy”, ông Thức cho biết.

Tại Yên Bái, cháy rừng cũng đã diễn ra rải rác. Ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, cho biết tới cuối ngày hôm qua, vụ cháy rừng trồng tại các huyện Trạm Tấu và Văn Trấn vẫn chưa được dập tắt.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến chiều tối qua, 19 địa phương có rừng nằm trong mức cảnh báo cực kỳ nguy hiểm về nguy cơ cháy rừng (cấp X) do đã nhiều tháng không có mưa, trời nắng nóng.

Thông tin quan trắc từ vệ tinh cho biết cả nước có 176  địa điểm được ghi nhận đang xảy ra cháy rừng. Trước tình hình cháy rừng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tiếp tục có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu chỉ đạo sát sao việc phòng, chữa cháy rừng, canh gác nghiêm ngặt, không để bà con tự do đốt nương làm rẫy, gieo tàn lửa vào các khu vực có nguy cơ cháy.

Có thể phải thiết lập đường băng cản lửa

31 trên 61 tỉnh thành đã treo báo động đỏ cấp IV và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) về nguy cơ cháy rừng.

Chiều 4/3, Đất Việt trao đổi nhanh với ông Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Hải cho biết, hiện tình hình thời tiết khô hạn kéo dài ở nhiều địa phương, đồng bào dân tộc đốt nương làm rẫy càng làm tăng nguy cơ bùng phát cháy rừng bất cứ lúc nào. "Chúng tôi tổng hợp tình hình chung để tối 4/3 báo cáo gấp Chính phủ để xem xét triệu tập họp khẩn cấp bàn giải quyết vấn đề này", ông Hải nói.

Về những phương án đối phó với tình hình cháy rừng nhứng ngày tới, ông Hải cho biết, ngày 4/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đã có công điện số 12 hỏa tốc đến các địa phương đang ở mức “báo động đỏ” đề nghị chỉ đạo nghiêm ngặt, tăng cường quản lý đốt nương rẫy, hạn chế thấp nhất khả năng bắt hỏa. Theo đó, yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng các tỉnh theo dõi chặt chẽ, kiểm tra kiểm soát người ra vào rừng, các khu vực có cháy rừng cấp IV, cấp V, tổ chức lực lượng cứu chữa.

 Nếu vượt qua tầm kiểm soát của địa phương, những nơi này cần khẩn cấp báo Trung ương hỗ trợ. Nếu xảy ra cháy lớn thì triển khai, thiết lập ngay đường băng cản lửa. Việc thiết lập đường băng phải tùy theo tính chất mức độ, tình hình cụ thể để đề nghị Trung ương và các lực lượng phản ứng nhanh hỗ trợ.

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *