Bên bờ hạnh phúc

Cứ đến mùa thu hoạch, Tây Nguyên lại đối diện với nạn trộm, cướp trắng trợn, khiến người trồng đành “bóp bụng”, tuốt cà phê non, xanh… Hàng loạt vườn cà phê bị cắt cành đến trơ thân, cà phê ở sân cũng bị xúc trộm, còn kho trữ bị cướp trống lốc…

Sáng ra thăm vườn, anh Trần Thanh Phong (thôn 3, xã Gia Lâm, Lâm Đồng) như hóa đá khi chứng kiến vườn cà phê của mình bị “hạ sát”. Hàng loạt cây trĩu hạt hôm trước giờ chỉ còn mỗi… thân.

“Dân trồng cà phê chỉ có… chết”

Dẫn chúng tôi đi xem những cây cà phê bị “đạo tặc” cắt trụi cành để mang đi nơi khác tuốt hạt, anh Phong thảng thốt: “Trộm thế này là phá hoại! Hàng loạt cây cà phê thuộc loại đạt nhất vụ mùa năm nay bị trộm điểm mặt, rồi dùng kéo cắt trụi cành sai hạt (cấp 1), biến 7 sào cà phê trở nên nham nhở. Cật lực chăm sóc, giờ thất thu quá”. Chung cảnh ngộ, các vườn cà phê của ông Vũ Văn Đa, Phạm Văn Cường… (Gia Lâm, Lâm Hà) cũng bị “cà phê tặc” tấn công trơ thân. Ngồi cạnh đống cành cà phê bị tuốt sạch hạt do những kẻ trộm cắp bỏ lại dưới gốc cây xoài, ông Cường than thở: “Bọn trộm cướp cứ lộng hành theo kiểu này thì dân trồng cà phê chúng tôi chỉ có… chết”.

“Cà phê tặc” cũng tấn công các vườn cà phê ở Di Linh, Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc… (Lâm Đồng). Một chủ cà phê ở Di Linh cho biết, có vườn bị bọn trộm hạ luôn cả cây để tiện lôi đến nơi vắng vẽ tuốt hạt. Song, táo tợn nhất phải kể đến là vụ vét sạch kho cà phê của nhà anh Trần Văn Lộc (thông 9, Bảo Ninh, Di Linh). “Tờ mờ sáng một chiếc xe chở hàng đỗ trước nhà anh Lộc. Vài thanh niên trên xe nhảy xuống, vào sân và vác từng bao cà phê chất lên xe. Chúng tôi thấy nhưng cứ nghĩ anh Lộc bán cà phê nên chẳng để ý”, một người dân ở thôn 9 kể. “Đó là 20 bao cà phê (50kg/bao) tôi vừa chuyển ở vườn về chưa kịp phơi”, anh Lộc vừa nói vừa chỉ hàng rào bằng lưới B40 bị bọn “cướp” cắt.

Ông Trần Thanh Phong xót xa bên cây cà phê bị kẻ trộm cắt trụi cành

Quay quắt giữ vườn

Một chủ vườn cà phê ở Đức Trọng, cho biết: “Tôi chưa thấy một tên trộm cà phê nào bị xử lý nghiêm khắc sau khi bị bắt. Có lần, tôi bắt được bọn chúng giải lên xã thì xã lại thả ra sau khi nhắc nhở, giáo dục”. Ông chủ vườn này cũng chia sẻ quan điểm rằng, năm nay, để giữ vườn cà phê, anh đã sắm một cọng xích. Nếu bắt được cà phê tặc, anh sẽ xích vào gốc cà phê cho đến khi người nhà đến đền bù mới thả.

Để chống trộm, một số chủ vườn ở Lâm Đồng lại dùng biện pháp “nghi binh”. Họ cho treo những tấm bảng nơi hàng rào vườn ví như: “Chó dữ, không được vào vườn”, “Vườn có bẫy sập, cấm vào”, “Vườn có gài điện, không được vào” hay dựng chòi rồi làm những con bù nhìn, chong đèn suốt đêm… “Vườn cà phê rộng mênh mông lấy người đâu mà đi giữ suốt ngày đêm. Đây chỉ là những biện pháp tình thế, hù dọa bọn trộm cướp chứ hiệu quả chẳng là bao”, ông Cường tâm sự.

Giới chủ vườn cà phê hiện nay chuyền tai nhau một “phương pháp” trộm cà phê khá “tinh vi”. Đó là kẻ trộm khoét hai cái lổ trên một bao bố để luồn hai tay vào, rồi buộc một phần miệng bao vào cổ. Gặp cành cà phê nào sai hạt, bọn trộm kê miệng bao sát vào cành mà tuốt. Cách này sẽ không gây tiếng động, gọn gàng thay vì như trước đây phải trải bạt dưới gốc cà phê mà tuốt hạt hoặc cắt, bẻ cành.

Theo Đất Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *