Bên bờ hạnh phúc

Trưa nay, bão Mirinae đã đổ bộ vào đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với sức gió mạnh cấp 10. Mưa to kéo dài từ tối qua khiến lãnh đạo nhiều tỉnh Nam Trung Bộ lo ngập nặng trên diện rộng.

Cũng như bão số 9, đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi trở thành nơi đầu tiên bão Marinae đổ bộ. Trưa nay gió bão quật qua huyện đảo này với sức mạnh cấp 10. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Phó ban phòng chống lụt bão huyện đảo Lý Sơn, rút kinh nghiệm từ cơn bão cuối tháng 9, người dân trên đảo đã tổ chức giằng chống nhà cửa chắc chắn hơn nên hiện chưa có thiệt hại về nhà sập, đổ. Tuy nhiên hơn 40 ha tỏi vừa được gieo trồng trở lại đã bị gió bão quật tơi bời, hư hỏng toàn bộ.

Cảng cá phường 6, Phú Yên ngả nghiêng trong gió bão. Ảnh: Xuân Hiếu

Ở đất liền cách Lý Sơn khoảng một buổi đi tàu, hoàn lưu bão Marinae đã gây mưa to, gió lớn cấp 7 cho các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Ông Trương Ngọc Nhi, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời tiết từ sáng sớm đã rất xấu với mây u ám và mưa to ở nhiều khu vực như Đức Phổ, Mộ Đức, Tri Sơn. Hiện tỉnh đã di dời được khoảng 450.000 dân sinh sống tại các khu vực có thể bị ảnh hưởng đến những vùng an toàn.

Tỉnh đã cho toàn bộ trường cấp 1-2 ở các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do bão dừng hoạt động giảng dạy.

Công tác di dân được các địa phương triển khai cấp tập, hiện tương đối hoàn tất để đón bão. Huyện Trà Bồng đã di dời xong 237 hộ dân với hơn một nghìn nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở. Cũng trong sáng nay, huyện Đức Phổ phối hợp với Đồn biên phòng 304 di dời 20 hộ dân.

Cây cổ thụ trên đường Trần Cao Vân, Phú Yên, bị gió bão đánh bật gốc sáng 2/11. Ảnh: Xuân Hiếu.

Sáng nay, các vùng dân cư ven biển Phú Yên đã bắt đầu có gió giật cấp 4, cấp 5. Gió giật đã làm cho một số cây xanh trên đường phố Tuy Hòa bị gãy cành rơi trên đường; một số cây cổ thụ bị ngã đổ, gây ách tắc giao thông, làm đứt đường dây diện.

Trên địa bàn thị xã Sông Cầu (thuộc địa bàn Đồn biên phòng 344) có một nhà dân bị sập hoàn toàn. Cùng với gió, suốt đêm 1/11 đến sáng nay trời liên tục đổ mưa làm cho mực nước sông bắt đầu dâng cao.

Để ứng phó với bão số 11, tất cả trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã cho học sinh – sinh viên nghỉ học.

Ông Võ Lâm Phi, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho hay, mưa bắt đầu từ giữa đêm qua và to dần về sáng. Hiện hầu hết các huyện đều có mưa to. Riêng các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh và các huyện giáp Phú Yên hiện có mưa rất to đồng thời có gió giật đến cấp 6.

Cũng theo ông Phi, hiện tàu thuyền ngoài khơi tại tỉnh này về cơ bản đã tìm chỗ trú an toàn hoặc về đến bờ. Người dân ở các địa phương gần biển đã được di dời đến chỗ trú ẩn an toàn. Song điều khiến chính quyền địa phương quan tâm nhất hiện nay là nguy cơ mưa to kết hợp với triều cường sẽ gây ngập nặng.

Dự báo hướng di chuyển của bão. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Ông Võ Thành Tiên, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định cho biết, từ 9h sáng tỉnh đã phát lệnh khuyến cáo người dân không nên ra đường. Trong sáng nay các trường học trên địa bàn đã đóng cửa. Lúc 10h, toàn tỉnh bị mưa to, gió giật cấp 6-7, dự báo khoảng trưa 2/11 bão đổ bộ vào Bình Định. Khoảng 4h30 sáng 2/11, lãnh đạo tỉnh đã phát lệnh khẩn cấp di dời dân lần cuối.

Theo ông Tiên, nhiều khả năng Quy Nhơn, Sông Cầu sẽ rơi vào khu vực tâm bão. Các vùng ven biển đang triển khai phòng chống lụt và triều cường. Hiện lực lượng xung kích tỉnh Bình Định đang trực tại các nơi xung yếu phòng mưa lớn gây lũ lụt. Hơn 9.600 tàu thuyền đã được điều động vào bờ.

Tại huyện Cần Giờ, TP HCM, đến trưa nay thời tiết vẫn ổn định chưa có dấu hiệu mưa gió. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, bí thư huyện ủy huyện Cần Giờ, công tác phòng chống đão đã được chuẩn bị.

"Nếu có lệnh và thấy tình hình nguy hiểm chúng tôi sẽ lập tức di dân khoảng 2.000 người trên xã đảo Thạnh An vào nơi an toàn. Bốn địa điểm trú bảo gồm nhà văn hóa Thiếu nhi, nhà văn hóa lao động và tòa nhà mặt trận tổ quốc huyện", bà Dung nói.

Theo bà Dung, thống kê cuối ngày 1/11 vẫn còn 15 tàu thuyền neo đậu ngoài khơi các bờ biển Vũng Tàu 15 km, hiện huyện Cần Giờ đang yêu cầu các chủ phương tiện này nhanh chóng tìm nơi trú bão an toàn.

Trước đó, ngày 1/11, UBND TP HCM đã có cuộc họp khẩn với các địa phương để đề ra phương án phòng tránh bão số 11 trong tư thế sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt nếu bão xảy trong thời điểm triều cường và các hồ chứa trên thượng nguồn như Trị An, Thác Mơ, Dầu Tiếng, Cần Đơn, Srok Phu đã tích nước đầy hoặc gần đầy hồ có khả năng phải xả lũ. Khi chưa có bão, mực nước triều tại TP HCM trong hôm nay và ngày mai đã ở mức từ 1,42 mét đến 1,50 mét.

Trước khả năng có thể bị ngập nặng, thành phố chỉ đạo các quận huyện có khu vực thường xuyên bị ngập úng ven sông, đặc biệt là quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, nhanh chóng gia cố bờ bao xung yếu để tránh bể bờ, tràn bờ.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *