Bên bờ hạnh phúc

BHYT là chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc nhằm hướng tới mục tiêu công bằng xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thế nhưng, khi khám, chữa bệnh, nhiều người có thẻ BHYT mất nhiều thời gian chờ đợi. Để khắc phục tình trạng này, các bệnh viện trong tỉnh Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long tuy đã có nhiều cải cách trong khâu tiếp đón, khám bệnh và cấp thuốc nhưng do lượng bệnh nhân quá đông, cộng với thủ tục thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT còn rườm rà nên nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh ngoại trú tại đây vẫn chưa được hài lòng, do phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, Bệnh viện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: “Bệnh viện đã xin ý kiến của Sở, chủ trương của UBND để dời cơ sở khám, chữa bệnh xuống dưới, tạo thông thoát trong phân luồng khám, chữa bệnh cũng như cấp, phát thuốc thuận tiện hơn. Sau đó, bệnh viện xin ý kiến cấp trên làm mạng vi tính toàn bệnh viện để việc khám, cấp thuốc được nhanh hơn”.

Do có nhiều trường học, cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn nên, theo qui định của Luật BHYT, số người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền TPVL đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước. Vì thế, hiện nay, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh cũng tăng hơn 70%. Để người bệnh không phải chờ đợi lâu và đảm bảo chất lượng điều trị, lãnh đạo bệnh viện cũng đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Bác sĩ Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền TPVL cho biết: “Bệnh nhân đến khám ngày thứ 2, thứ 6 là rất đông do vậy, nếu cho thuốc 1, 2 tuần thì lượng bệnh đến tái khám cũng sẽ trùng vào ngày thứ 2, thứ 6. Để tránh tình trạng quá tải bệnh nhân vào ngày thứ 2 và thứ 6, bệnh viện có chủ trương cho thuốc 10 ngày đối với những bệnh nhân cần thời gian theo dõi. Đối với những ngày có đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, chúng tôi tăng thêm 1, đến 2 bác sĩ để giải quyết tình trạng đó. Song song đó, bệnh viện cũng đang tiến hành thực hiện phần mềm bắt số tự động để bệnh nhân không phải chờ đợi lâu”.

Với những giải pháp thiết thực và nỗ lực khắc phục những hạn chế của các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, ngành Y tế Vĩnh Long không chỉ giúp giảm bớt được thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng điều trị bệnh cho người dân mà còn từng bước tạo điều kiện để tiến đến BHYT toàn dân vào năm 2014.

Minh Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *