Đồng bằng sông Củu Long hàng năm đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản và 70% lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các loại nông thủy sản trên đây thông qua hợp đồng đạt tỉ lệ rất thấp.

Ảnh minh họa

Để thực hiện tốt việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp các tỉnh đang đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước, tăng cường các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất cũng như thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, giá cả cho nông dân.

Thời gian qua, Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đã mở ra hướng đi tích cực, giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia. Các câu lạc bộ, hợp tác xã, các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã ký kết được nhiều hợp đồng đầu tư, cung ứng nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm; góp phần giải quyết những tồn đọng, ách tắc trong tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân.

Lợi thế, tiềm năng của nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long về lúa, thủy sản, cây ăn trái và rau màu là không nhỏ nhưng đây lại là những mặt hàng chịu nhiều tác động khi hội nhập với kinh tế thế giới. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, để hàng hóa nông, thủy sản vững bước trên thị trường, nông dân cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, từ bỏ lối sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chi phí cao, lợi nhuận thấp để hợp tác sản xuất với qui mô lớn theo đặt hàng của các doanh nghiệp.

ĐBSCL phấn đấu trong năm 2010, mỗi tỉnh trong khu vực thực hiện bao tiêu theo hợp đồng mỗi năm ít nhất là 25% sản lượng lúa Đông Xuân và Hè Thu; từ 30 – 50% lượng cá tra và trên 50% sản lượng trái cây xuất khẩu. Tỉ lệ này sẽ được nâng dần trong những năm tiếp theo với số lượng và chủng loại năm sau cao hơn năm trước.

Với những mô hình hợp tác, liên kết thành công trong thời gian qua và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, đây sẽ là động lực thúc đẩy tạo ra mối gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhà nông và doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh khu vực ĐBSCL nói chung trong sản xuất, chế biến, và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *