Bên bờ hạnh phúc
Hệ thống định vị toàn cầu của Liên minh châu Âu EU có tên gọi Galileo 

Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và nâng cao tính chính xác của các dịch vụ định vị bằng vệ tinh, Liên minh châu Âu EU đã bắt đầu triển khai hệ thống của riêng họ với tên gọi là Galileo. Tuần qua, vào lúc 17 giờ 30 ngày 21/10 (theo giờ Việt Nam), hai vệ tinh đầu tiên thuộc dự án này đã được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Kourou của EU, trên đảo Guiana thuộc Pháp bằng tàu Soyuz của Nga. 

Sau khoảng 3 giờ 50 phút, tên lửa đẩy Soyuz đã đưa 2 vệ tinh đầu tiên của hệ thống Galileo lên quỹ đạo cách mặt đất hơn 23.000 km. EU cho biết đây là sự kiện mang tính lịch sử vì nó đánh dấu sự khởi đầu của một dự án nhiều tham vọng. Nhờ Galileo, châu Âu sẽ có một hệ thống dẫn đường riêng bằng các vệ tinh định vị thông minh, và điều đó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế của khu vực và cuộc sống hàng ngày của người dân. Theo kế hoạch, hệ thống Galileo sẽ chính thức được đưa vào khai thác từ năm 2014 và sẽ cung cấp các dịch vụ vệ tinh chất lượng cao như hệ thống chỉ đường chính xác, quản lý giao thông đường bộ, các ứng dụng phục vụ nghiên cứu vũ trụ và giao dịch ngân hàng an toàn. 

Không giống như hệ thống định vị toàn cầu GPS do quân đội Mỹ phát triển, Galileo được EU thiết kế với mục đích dân dụng và hướng đến loại bỏ sự phụ thuộc của châu Âu vào GPS. Theo kế hoạch, sau đợt phóng đầu tiên, sẽ còn 28 vệ tinh dẫn đường nữa thuộc hệ thống định vị Galileo được đưa lên quỹ đạo từ nay đến năm 2019. So với GPS của Mỹ, hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu được trang bị những đồng hồ nguyên tử có độ chính xác cao hơn, trong khi đồng hồ nguyên tử được coi là “trái tim” của mọi hệ thống định vị vệ tinh.

Về mặt lý thuyết, dữ liệu do Galileo cung cấp sẽ chính xác hơn so với GPS. Sai số của GPS có thể lên tới 10m, trong khi sai số của Galileo sẽ chỉ từ một met trở xuống. Do đó, Liên minh châu Âu kỳ vọng Galileo sẽ trở thành dịch vụ định vị toàn cầu hàng đầu trên thế giới nhờ tính chính xác và độ tin cậy cao hơn. Ngoài ra, các ứng dụng của nó sẽ rất rộng, từ việc giúp nông dân gieo hạt chính xác trên đồng ruộng cho tới xác định vị trí của nạn nhân trong các chiến dịch cứu hộ. 

Hiện nay, định vị vệ tinh đang trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng đối với hoạt động của máy bay, tàu bè và ôtô. Hệ thống Galileo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ euro và xâm nhập vào nhiều thị trường do có nhiều ứng dụng thực tiễn. Theo ước tính, đến năm 2015 sẽ có hơn 400 triệu người sử dụng định vị vệ tinh. Hệ thống Galileo được kỳ vọng sẽ mang lại cho nền kinh tế châu Âu khoảng 90 tỷ euro trong vòng 20 năm tới. Các công ty điện tử và hàng không châu Âu dự đoán Galileo cũng sẽ giúp tạo ra hơn 100.000 việc làm cho người lao động.

Phúc Châu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *