Bên bờ hạnh phúc

Tuần qua, Hội nghị cấp cao của Liên hiệp quốc về thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đã diễn ra tại thành phố New York của Mỹ. Dịp này, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đã đề cập nhiều biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu đúng thời hạn chót vào năm 2015.

Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư vào tất cả các MDG

Nhiều báo cáo, tham luận tại Hội nghị đã đặc biệt nhấn mạnh giáo dục chính là chìa khóa, là sự lựa chọn đầu tư thông minh để hiện thực hóa các mục tiêu cao cả này.

Giám đốc chấp hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF Anthony Lake cho rằng, để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đói nghèo của trẻ em, các gia đình và cộng đồng phải đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục.

Báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO về chương trình “Giáo dục cho tất cả” cho biết, 171 triệu người trên thế giới có thể thoát khỏi đói nghèo nếu tất cả học sinh ở các nước thu nhập thấp biết đọc, biết viết khi rời trường học. Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ biết đọc, biết viết có khả năng sống qua tuổi thứ 5 cao hơn 50% so với số trẻ sinh ra từ những bà mẹ mù chữ. 1.800.000 trẻ em ở khu vực tiểu sa mạc Sahara châu Phi có thể đã được cứu sống trong năm 2008 nếu các bà mẹ có trình độ trung học phổ thông.

UNICEF và UNESCO cũng ghi nhận những thành tựu về giáo dục trên thế giới kể từ khi phát động các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2000. Hiện nay, gần như tất cả trẻ em ở Tanzania đã được đi học so với con số chưa đầy 50% hồi đầu năm 2000. Ấn Độ đang hy vọng có thể giảm số trẻ em không được đi học từ 5,6 triệu năm 2008 xuống còn 750.000 trẻ em vào năm 2015.

Tuy nhiên, thế giới ngày nay vẫn còn ít nhất 69 triệu trẻ em không được đến trường mỗi năm. UNICEF cho biết, mặc dù thế giới có tiến triển về số trẻ em đến trường, nhưng thành tựu này phải trả giá bằng chất lượng giáo dục suy giảm, các mục tiêu giáo dục khác bị bỏ qua như giáo dục và chăm sóc trẻ mẫu giáo, xóa mù chữ, giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên và người trưởng thành…

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova khẳng định, nếu muốn phát triển bền vững, các nước phải tăng mạnh đầu tư vào giáo dục, trong đó, đặc biệt quan tâm tới giáo dục cho những người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc những người sống ở các nước vừa thoát khỏi xung đột. Nguồn đầu tư này phải bền vững, có thể dự báo trước được và có thể huy động từ các nguồn lực rộng rãi trong và ngoài nước.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền giáo dục Kishore Singh cảnh báo, đang xuất hiện khả năng giảm ngân sách giáo dục ở nhiều nước cũng như giảm viện trợ quốc tế về giáo dục do khủng hoảng kinh tế. Nguy cơ này sẽ tác động đến tiến độ thực hiện của tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Ông nhấn mạnh, các chính phủ cần đảm bảo ngân sách giáo dục không ngừng tăng vì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư vào tất cả các MDG.

Thanh Sang
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *