Bên bờ hạnh phúc

Hơn 1 năm kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống bị phủ bóng đen bởi những cáo buộc gian lận, cử tri Afghanistan lại tham gia đi bầu cơ quan lập pháp. Đây được xem là một “phép thử” nữa nhằm đánh giá hiệu quả của chính quyền do Tổng thống Hamid Karzai lãnh đạo về tính dân chủ và khả năng ngăn chặn sự chống phá của tàn quân Taliban.

An ninh được thắt chặt trong ngày bầu cử ở Afghanistan

Dù kết quả bầu cử Quốc hội Afghanistan sẽ không ảnh hưởng tới chiếc ghế của Tổng thống Karzai, nhưng cách thức tiến hành cuộc bầu cử lần này sẽ có tác động mạnh tới lực lượng liên quân với 140.000 binh sĩ và hàng tỷ đôla viện trợ. Ngoài ra, cuộc bầu cử cũng là thước đo sức mạnh của các nhóm phiến quân khi mà lực lượng của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và Afghanistan được triển khai tới bảo vệ các điểm bỏ phiếu ở những vùng bất ổn. Trước đó, phe Taliban đã từng đưa ra những lời đe dọa tấn công cử tri và nhân viên phục vụ bầu cử.

Thực tế là có một số người không tin vào một cuộc bầu cử tự do, công bằng theo tiêu chuẩn phương Tây tại đất nước Afghanistan. Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Afghanistan, Staffan de Mistura, nói rằng cuộc bầu cử được tổ chức ở một trong những nơi tồi tệ nhất trên thế giới và diễn ra vào thời điểm không thuận lợi nhất, nhưng vẫn phải đặt hy vọng vào nó.

Mặc dù giới quan sát phương Tây hoài nghi về cam kết bài trừ tham nhũng của Tổng thống Hamid Karzai, nhưng họ tỏ ra hài lòng với những biện pháp mà chính phủ Afghanistan tiến hành nhằm tăng cường tính độc lập của Ủy ban bầu cử và quyết định thông báo các điểm bầu cử một tháng trước ngày bỏ phiếu nhằm đối phó với nguy cơ gian lận phiếu bầu. Tuy nhiên, một báo cáo của Mỹ cảnh báo, phải mất nhiều năm nữa mới giải quyết được những vấn đề trong hệ thống bầu cử Afghanistan, ví dụ như việc thiếu danh sách xác thực các cử tri đăng ký đi bầu, không xem xét kỹ lý lịch của các ứng cử viên…

Nỗ lực đảm bảo cho một cuộc bầu cử công bằng và tự do trở nên khó khăn hơn khi tình hình an ninh tại một số vùng trở nên xấu đi kể từ khi danh sách địa điểm bỏ phiếu lần đầu được công bố hồi tháng trước. Gần 400 trung tâm bỏ phiếu đã bị gạt khỏi danh sách ban đầu do lực lượng an ninh Afghanistan không thể đảm bảo an ninh.

Cuộc bầu cử Quốc hội lần này được xem là phép thử đối với sự ổn định ở Afghanistan cũng như năng lực của chính quyền do Tổng thống Kazai lãnh đạo trước khi Mỹ xem xét lại chiến lược tại quốc gia này vào tháng 12 tới để xác định lịch trình và quy mô rút quân. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng dự kiến sẽ rút quân vào giữa năm 2011. Mặc dù Mỹ đã chi viện thêm quân cho Afghanistan, nhưng tình hình an ninh tại nước này nhìn chung không khá hơn so với thời điểm bầu cử tổng thống năm ngoái. An ninh ở Thủ đô Kabul không diễn biến xấu, nhưng tình hình một số tỉnh miền Bắc trở nên nguy cấp hơn trong khi các tỉnh miền Nam và Đông không có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Trong cuộc bầu cử lần này, phe Taliban từng đe dọa tấn công những người đi bỏ phiếu…. Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết có khoảng 280.000 cảnh sát và binh sĩ được triển khai để đảm bảo cho hơn 5.500 điểm bỏ phiếu. Các lực lượng quốc tế đóng vai trò hỗ trợ, sẵn sàng giải quyết các vụ tấn công, sơ tán y tế và cung cấp phương tiện vận chuyển.

Hơn 2.500 ứng cử viên tham gia chạy đua vào 249 ghế trong Hạ viện Afghanistan. Theo Hiến pháp Afghanistan hiện hành, việc thành lập chính đảng mới là rất khó khăn, do vậy, phần lớn những ứng viên tham gia cuộc đua đều mang tư cách chính khách độc lập. Kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố vào ngày 31/10, sau khi những khiếu nại được giải quyết.

Thu Thủy
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *