Đến 12 giờ trưa 14/10, có 10.048 ca dương tính với cúm A/H1N1, 9.412 ca được điều trị khỏi.

TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cảnh báo: Người dân không nên chủ quan trước con số bệnh nhân cúm phát hiện giảm, bởi thực tế, con số bệnh nhân nhiễm cúm được báo cáo này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số bệnh nhân nhiễm cúm thực sự ngoài cộng đồng.

Nguyên nhân của việc các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây giảm xuống là bởi quy trình giám sát cúm đã được thay đổi. Hiện các địa phương đã ngừng xét nghiệm đại trà các trường hợp có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với những trường hợp đặc biệt có nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính…

 

Khi có biểu hiện sốt cao quá 3 ngày, đau ngực khó thở cần nhập viện khám và điều trị. Ảnh: Trần Minh

Vì thế, số bệnh nhân được báo cáo chỉ là những trường hợp đã được xét nghiệm bằng PCR khẳng định chắc chắn là dương tính với cúm A/H1N1. Còn đại đa số các ca nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 trong cộng đồng đều được điều trị ngay mà không cần xét nghiệm. Việc không xét nghiệm đại trà mà dựa vào chẩn đoán lâm sàng là để tránh trường hợp bệnh nhân ở xa, thời gian chuyển mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm lâu dẫn đến khi bệnh trở nặng không kịp chữa trị.

Hiện nay, tổng số cơ sở đủ tiêu chuẩn để tiến hành chẩn đoán xác định virut cúm A/H1N1 trong cả nước là 17 đơn vị. Bộ Y tế đang tập trung theo dõi khả năng biến đổi gen của virut và các trường hợp kháng thuốc để có các giải pháp phòng bệnh, điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, để đảm bảo tamiflu cho điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1, Bộ Y tế đã đồng ý cho 3 công ty dược trong nước sản xuất tamiflu. Bộ cũng vừa phân bổ 178.000 viên thuốc cho 18 tỉnh/TP. Hiện tại, còn dự trữ khoảng 650.000 viên. Hiện nay, việc điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 hoặc nghi ngờ cúm A/H1N1 vẫn thực hiện dưới sự giám sát của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, TS. Kính cảnh báo, người bệnh khi đã nhận tamiflu và uống, cần sử dụng hết liều, tránh tình trạng kháng thuốc. Việt Nam đang bước vào mùa thu đông, là điều kiện để cúm A/H1N1 phát triển mạnh mẽ. Do vậy, Bộ Y tế đặc biệt lưu ý người dân phải đề cao cảnh giác, đặt biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

 

Theo khuyến cáo của Trung tâm phòng chống bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới, trong tình hình dịch bệnh đã lan rộng như hiện nay, những người bị nhiễm virut cúm A/H1N1, nếu không thuộc đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, người già, trẻ em) thì không cần điều trị tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi, như cúm mùa thông thường. Tuy nhiên, người bệnh phải tự theo dõi sức khỏe được cho chính mình. Nếu có những biểu hiện nặng lên như: Sốt cao quá 3 ngày, ho, có đờm lẫn máu, đau ngực, khó thở thì cần nhanh chóng nhập viện.

Theo suckhoedoisong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *