Bên bờ hạnh phúc

Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, phố mua sắm ra đời ở Nhật vào thế kỷ XVI.

Thời Chiến quốc Sengoku, các lãnh chúa phát động chiến tranh, giành quyền cai quản các địa phương. Họ xây dựng lâu đài riêng, xung quanh lâu đài là khu dân cư dưới quyền cai trị của họ. Được lãnh chúa bảo trợ, các khu dân cư phát triển nhanh chóng, chúng được gọi là Rakuichi Rakuza. Người dân sinh sống tại các khu dân cư này có nhiệm vụ phục tùng lãnh chúa, trai tráng tham gia vào đội quân của lãnh chúa. Thương mại hầu như được thực hiện theo hình thức tự cấp tự túc.

Tuy nhiên, một số lãnh chúa địa phương có tầm nhìn rộng, họ cho phép thương nhân nước ngoài giao dịch với Rakuichi Rakuza của họ. Kết quả là những khu mua bán hình thành, thương mại tại những khu dân cư này phát triển hưng thịnh. Kinh tế dư dả, đời sống tinh thần của người dân phong phú, từ đó, thế lực của lãnh chúa cũng hùng mạnh hơn.

Đến thời Edo, hoạt động của các khu phố mua sắm bước vào giai đoạn phát triển.

Sau thời gian dài nội chiến giữa các lãnh chúa, thời Edo là giai đoạn hòa bình, cuộc sống của người dân trở nên sung túc, họ bắt đầu những chuyến đi du lịch, hành hương dài ngày. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách thập phương, những cửa hàng kinh doanh thực phẩm, vật dụng thiết yếu và nhà trọ mọc lên như nấm ở khu vực gần các đền thờ và điểm du lịch nổi tiếng.

Các cửa hàng này thường tập trung lại với nhau thành một dãy phố để dễ mua bán. Hình thức đó được duy trì đến ngày nay, người Nhật gọi đó là các khu phố mua sắm. Vào thời Edo, hoạt động của phố mua sắm gắn liền với cuộc sống của người dân, số lượng các khu phố mua sắm gia tăng mạnh mẽ.

Đến thời Minh Trị, từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, kinh tế phát triển, dân số của Nhật cũng gia tăng nhanh chóng. Thêm vào đó, mạng lưới đường sắt được phủ khắp cả nước, hàng hóa lưu thông dễ dàng, đó là điều kiện thuận lợi để hàng loạt khu phố mua sắm mới ra đời. Giai đoạn này là thời hoàng kim trong lịch sử phố mua sắm Nhật Bản.

Thế nhưng, đến Chiến tranh Thế giới Thứ 2, nước Nhật bị ném bom dữ dội, phần lớn các khu phố mua sắm tại những thành phố lớn bị phá hủy.

Sau chiến tranh, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, hoạt động mua bán cũng bị ảnh hưởng. Hàng hoá khan hiếm, mọi người họp chợ ngoài trời, ngay trên nền đất vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Cửa hiệu không còn, người bán tận dụng những tấm ván hoặc tấm bạt nhỏ để trưng bày hàng hoá, thức ăn chào mời khách. Hoạt động mua bán như thế tiếp tục được duy trì trong một thời gian dài với niềm hy vọng rằng những khu phố sung túc trước đây sẽ được hồi sinh.

Hy vọng đó đã trở thành hiện thực khi chỉ 2 thập niên sau chiến tranh, Nhật Bản từ đống đổ nát đã vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển thần tốc. Các khu phố mua sắm được xây dựng lại khang trang hơn, nhộn nhịp hơn.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *