Bên cạnh công tác khai quật ngay tại hiện trường, các nhà khoa học đã tiến hành tìm hiểu cấu trúc bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng bằng kỹ thuật thăm dò từ xa tiên tiến. Kết quả là họ có thể phác họa nên toàn bộ công trình cùng một khoảng không gian rộng lớn nằm sâu bên trong lòng đất.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng đã vượt xa khuôn khổ của một ngôi mộ truyền thống

Chiều dài của lăng mộ tính từ Đông sang Tây là 168 met, từ Nam qua Bắc là 141 met và sâu 15 met. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng đã vượt xa khuôn khổ của một ngôi mộ truyền thống. Ông đã xây dựng cho mình một vương quốc thu nhỏ nơi suối vàng.

Thủy ngân đóng vai trò quan trọng trong công trình vĩ đại này. Một lượng lớn thủy ngân được dùng để tạo nên hàng trăm dòng sông lớn nhỏ, sau đó, chúng liên kết lại với nhau cùng chảy ra biển lớn. Cũng như tất cả các dân tộc khác trên thế giới, người Trung Hoa cổ đại đã rất coi trọng nguồn nước do nước tạo nên sự sống. Vì vậy, họ đã nghĩ ra một cách dùng thủy ngân để tái hiện dòng chảy vĩnh viễn của nước bên trong lăng mộ.

Trong không gian bên dưới lăng mộ là sự thể hiện cho một đất nước Trung Quốc cổ đại. Trên trần của lăng mộ là bức tranh mô phỏng bầu trời đầy sao sáng lấp lánh. Ngay giữa lãnh thổ Trung Quốc cổ đại thu nhỏ trong lăng mộ là nơi yên nghỉ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Nơi chứa thi hài của Tần Thủy Hoàng được bao bọc bằng 4 bức tường vững chắc. Cách bố trí đồ vật tại đây là sự tái hiện quang cảnh của hoàng cung cùng nhiều của cải và các vật dụng Hoàng đế thường sử dụng. Tất cả đều được chế tác từ vật liệu quý là vàng và ngọc. Thi hài của Tần Thủy Hoàng được đặt trong quan tài bằng gỗ quý, nằm theo hướng Đông – Tây.

Mô hình phục dựng nơi đặt linh cửu Hoàng đế nhà Tần

Người xưa đã làm thế nào để lăng mộ Tần Thủy Hoàng không bị ngập mặc dù nó nằm dưới độ sâu 15 met? Đó vẫn còn là bí ẩn thách đố các nhà khoa học.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, Binh mã dũng là một phần rất quan trọng bảo vệ vương quốc đồ sộ nơi suối vàng của Tần Thủy Hoàng. Cho đến thời điểm này, người ta chỉ phát hiện và khai quật 3 hầm Binh mã dũng có tượng binh mã. Riêng hầm thứ tư thì hoàn toàn trống rỗng do việc xây dựng chưa hoàn thành.

Bề thế và quy mô lớn nhất là hầm Binh mã dũng số 1. Tất cả binh sĩ ở đây đều quay mặt về hướng Đông. Đối với Tần Thủy Hoàng, hướng Đông mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là hướng ông đưa quân chinh phục các nước chư hầu, thống nhất Trung Quốc. Vì vậy, tư thế của Binh mã dũng như muốn nhắc nhở quan quân nhà Tần không được quên quá trình thống nhất Trung Nguyên gian khổ nhưng đầy vẻ vang này.

Hơn 6.000 bức tượng binh mã và trên 40 chiến xa bằng gỗ được xếp đặt chỉnh tề trong 11 đường hào nhỏ trong hầm Binh mã dũng số 1

Trong hầm Binh mã dũng số 1, người ta đã khai quật được hơn 6.000 bức tượng binh mã và trên 40 chiến xa bằng gỗ. Chúng được xếp đặt chỉnh tề trong 11 đường hào nhỏ. Giới khảo cổ cho rằng, các binh sĩ của Tần Thủy Hoàng có nguồn gốc đa dạng. Sự hiện diện của nhiều tộc người khác nhau trong đội quân Binh mã dũng cũng là một cách mà Hoàng đế Tần Thủy Hoàng ghi nhận về một đất nước Trung Quốc thống nhất.

Sinh thời, Tần Thủy Hoàng đã tuyển chọn binh sĩ rất nghiêm ngặt cho đội quân của ông. Họ là những trai tráng khỏe mạnh và tầm thước đến từ nhiều nơi khác nhau trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Mỗi bức tượng người và ngựa bằng đất nung đều được trau chuốt cẩn thận từ vóc dáng đến chiều cao, tất cả đều rất chỉnh tề.

Theo các nhà học giả Trung Quốc, Binh mã dũng tại hầm thứ nhất chủ yếu là bộ binh và chiến xa. Chúng được sắp xếp theo thế trận phòng ngự hình tròn hướng về phía Đông. Có thể Tần Thủy Hoàng muốn bồi táng âm binh để canh giữ linh hồn của ông. Ngoài mục đích bảo vệ linh hồn của vua, những đội quân phòng ngự ở hầm số 1 cũng có năng lực tùy cơ ứng biến. Hai bên tả và hữu đều có lực lượng viện trợ sẵn sàng

Những cỗ xe tứ mã khai quật được trong khu lăng mộ được trưng bày cho khách tham quan

Trong 11 hào nhỏ chạy dọc theo hướng Đông – Tây của hầm Binh mã dũng số 1, xen lẫn giữa bộ binh là các xe tứ mã, chia thành 38 đội hàng dọc. Phía sau chiến xa là những võ sĩ, một người cầm cương và các giáp sĩ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mỗi hầm Binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng mang một ý nghĩa khác nhau. Nếu hầm số 1 là ở thế phòng ngự, thì hầm số 2 là nơi cung cấp binh sĩ cho hầm số 1 và hầm số 3 là cơ quan chỉ huy.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hầm số 3 là nơi tiếp nhận những binh sĩ bị thương vì người ta đã phát hiện nhiều tượng binh sĩ không đầu hoặc thiếu chi. Việc khảo sát cho thấy, chúng đã được cố tình tạo ra như thế.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *