Cách nay trên 400 năm, Nhật Bản bước vào thời kì Sen-go-ku hay còn gọi là thời kì Chiến quốc. Tầng lớp võ sĩ lớn mạnh và giành quyền chi phối xã hội. Giữa các thế lực võ sĩ cai quản từng địa phương có sự cạnh tranh quyết liệt với nhau, từ đó xảy ra các cuộc xung đột quân sự liên tục trên khắp đất nước Nhật Bản.

Kiếm đạo là môn nghệ thuật quân sự rèn luyện thể lực và tinh thần

Thế kỉ XVII đánh dấu sự ra đời của thời kì Edo, Nhật Bản kết thúc chiến tranh, đất nước thái bình. Những võ sĩ tham chiến ngày xưa giờ đã trở lại cuộc sống thường nhật với nhiệm vụ bảo vệ tướng quân và các lãnh chúa, những chủ nhân mà họ phò tá. Tuy không còn chiến tranh nhưng các võ sĩ lúc nào cũng mang theo kiếm bên mình, đây còn là đặc ân mà chỉ riêng họ mới được hưởng. Trên người các võ sĩ lúc bấy giờ luôn có hai thanh kiếm rất sắc bén.

Ngoài kỹ năng kiếm pháp, người võ sĩ rất đề cao yếu tố tinh thần. Mi-ya-mo-to Mu-sa-shi là một trong những kiếm sĩ danh tiếng của Nhật Bản. Ông sống vào cuối thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XVII. Mu-sa-shi là người rất tinh thông kiếm pháp.

Mu-sa-shi được mệnh danh là Kiếm sĩ trong thiên hạ của Nhật Bản. Ông đã trải qua cuộc đời của một võ sĩ samurai rất oanh liệt, chưa một lần thất bại trước đối thủ.

Mi-ya-mo-to Mu-sa-shi đã viết Ngũ luân Kì thư, tiếng Nhật gọi là Go-rin No Sho. Đó là tập sách chia thành 5 quyển, trong đó, Mu-sa-shi viết về binh pháp dạy cách dùng binh và sử dụng kiếm.

Ngũ luân Kỳ thư là võ thư số 1 của Kiếm đạo. Mu-sa-shi lấy nguyên lí Đạo là tự nhiên, nhận thức được năng lực của tự nhiên, hiểu biết sự vận động của mọi tình huống, từ đó, kiếm sĩ có thể ra tay rất tự nhiên với bất cứ đối thủ nào.

Kiếm đạo đang được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ

5 quyển sách trong Ngũ luân Kì thư gồm: quyển Địa dạy kiếm sĩ hiểu thấu đáo sự vật; quyển Thủy bàn về kiếm pháp, trong đó, đạo cơ bản là nước, đường kiếm phải thanh khiết và uyển chuyển như nước; quyển Hỏa bàn về đấu pháp, kiếm sĩ cần rèn luyện tính bền bỉ, chiến đấu quyết liệt; quyển Phong bàn về phong cách và kỹ thuật sử kiếm; quyển Không đề cập đến tâm trí không còn vô minh, từ đó kiếm pháp sẽ phóng khoáng, chính xác, trực tiếp, đi theo cái thiện và cũng là cái tự nhiên.

Bắt nguồn từ sự lớn mạnh của tầng lớp võ sĩ cách đây 400 năm, kiếm đạo đang được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ. Không chỉ phát triển tại Nhật, hiện nay, kiếm đạo đã trở thành môn thể thao của thế giới.

Đại hội kiếm đạo Quốc tế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1970. Từ đó về sau, cứ 3 năm lại diễn ra đại hội một lần. Hiện nay, kiếm đạo phát triển mạnh tại Pháp, Mỹ, Hàn Quốc… Với trên 7.000 người luyện tập kiếm đạo, Pháp trở thành quốc gia nước ngoài có số người theo học môn thể thao này nhiều nhất thế giới.

Kiếm đạo là môn nghệ thuật quân sự rèn luyện thể lực và tinh thần. Tiêu chí đó đã và đang dần được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *