Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, trên khắp nước Nhật có khoảng 1,6 triệu người tham gia luyện tập kiếm đạo. Đó là bộ môn dành cho mọi đối tượng từ người trưởng thành đến trẻ em. Người Nhật xem kiếm đạo là nghệ thuật tranh tài mang tính quân sự mà ở đó, người tham gia cố tấn công đối phương bằng một thanh kiếm tre. Nguồn gốc của kiếm đạo bắt nguồn từ các trận đánh của võ sĩ samurai.

Áo ken-do-gi màu xanh sậm

Phục trang của những môn sinh trong kiếm đạo là chiếc áo ken-do-gi màu xanh sậm làm từ loại vải hút ẩm tốt. Bên dưới là chiếc quần ha-ka-ma truyền thống ống rộng cùng màu. Môn sinh của kiếm đạo luôn đi chân trần trong lúc luyện tập và thi đấu.

Quần ha-ka-ma

Môn sinh kiếm đạo cũng không thể thiếu bộ giáp bảo vệ dùng để che chắn các điểm trọng yếu trên cơ thể. Đầu được bảo vệ bằng một loại nón đặc biệt gọi là "men". Phía trước nón có phần khung kim loại rắn chắc, có nhiệm vụ bảo vệ mặt. Phần còn lại của nón được làm từ da và bìa cứng để giữ an toàn cho đỉnh đầu, cổ và hai bên bả vai.

Đầu được bảo vệ bằng một loại nón đặc biệt gọi là "men"

“Do” là tên gọi của tấm áo giáp dùng để quấn trước ngực và hai bên hông. Các đòn đánh của kiếm đạo thường nhằm vào những chỗ hiểm yếu trên cơ thể nên giáp bảo vệ là rất quan trọng.

“Do” là tên gọi của tấm áo giáp dùng để quấn trước ngực và hai bên hông

Ta-re là dụng cụ dùng để che chắn phần eo và phía trước háng. Nó được làm từ chất liệu mềm, giúp người luyện tập kiếm đạo di chuyển dễ dàng.

Ta-re là dụng cụ dùng để che chắn phần eo và phía trước háng

Cổ tay được bảo vệ bằng găng tay dầy, có đệm bên trong, gọi là ko-te. Găng tay được làm từ vải mềm hoặc da thuộc để người sử dụng có thể vận động đôi tay linh hoạt.

Ko-te

Một dụng cụ tập luyện không thể thiếu đối với những thành viên kiếm đạo là thanh kiếm tre shi-nai. Trong kiếm đạo, kiếm tre shi-nai được sử dụng để thay thế cho thanh kiếm Nhật ka-ta-na sắc bén. Shi-nai được làm từ bốn thanh tre ghép lại. Chúng được cố định với nhau bằng các miếng da.

Thanh kiếm tre Shi-nai

Shi-ai là từ dùng để gọi một trận đấu kiếm. Thường thì mỗi trận đấu kéo dài trong khoảng thời gian là 5 phút và được tính 3 điểm. Người giành chiến thắng là người giành trước 2 điểm. Trong kiếm đạo, yếu tố quan trọng để ghi điểm là bước di chuyển của kiếm sĩ, tiếng thét cùng với tư thế ra đòn đẹp.

Phối hợp các dụng cụ bảo vệ cơ thể

Một trận đấu kiếm

Có 4 vị trí trên cơ thể đối phương mà khi đánh trúng, kiếm sĩ sẽ ghi điểm. Vị trí đầu tiên được gọi là men, tức là tấn công trực tiếp vào đỉnh đầu. Nếu kiếm sĩ đánh trúng một đòn vào đầu của đối phương sẽ có ngay một điểm.

Vị trí thứ hai có tên gọi ko-te. Đó là đòn tấn công nhắm vào cổ tay của đối phương.

Vị trí trọng yếu thứ 3 là do. Để ghi điểm khi tấn công vào vị trí này, kiếm sĩ dùng kiếm tre chém lệch từ trên xuống vào bên hông trái hoặc hông phải của đối phương. Nếu chém vào phía trước bụng sẽ mất điểm.

Vị trí cuối cùng gọi là tsu-ki. Đầu nhọn của thanh kiếm đâm vào cổ họng của đối phương. Tuy nhiên, đây là vị trí ra đòn rất nguy hiểm, có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Vì vậy, những đòn đâm này được giới hạn, chỉ những kiếm sĩ ở cấp độ cao mới thực hiện.

Kiếm đạo truyền thống của người Nhật là “Nhất chiêu tất sát”, tức chỉ cần một chiêu là giết được đối thủ, do đó, những thế đòn của kiếm đạo luôn nhắm vào những điểm yếu trên cơ thể.

Yếu tố căn bản của kiếm đạo nằm trong 4 chữ Ki, Ken, Tai và Ichi, nghĩa là Khí, Kiếm, Thể và Nhất. Đầu tiên là Khí, tức khí công. Người luyện kiếm đạo phải luyện như thế nào cho chân khí nhập vào kiếm. Kiếm phối hợp với sức mạnh thể chất thành một thể thống nhất để tạo ra uy lực dũng mãnh.

Kiếm tức là vũ khí. Những kiếm sĩ trong kiếm đạo có một thứ vũ khí duy nhất là thanh kiếm tre, gọi là shi-nai. Chiều dài của thanh kiếm là 1,2 mét. Ban đầu, thanh kiếm là một vũ khí sắc bén dùng trong chiến đấu. Nhưng sau đó, xuất hiện khuynh hướng luyện tập kiếm thuật để cảm nhận tâm linh. Dần dần, kiếm thuật được chuyển thành kiếm đạo và thanh kiếm bằng tre hình dạng thẳng được dùng để thay thế cho thanh kiếm thép lưỡi cong.

Tai là thể, tức thể lực. Người luyện kiếm cần có một cơ thể khỏe mạnh và việc luyện tập giúp rèn luyện sức khỏe cho kiếm sĩ. Sức mạnh của những nhát kiếm không chỉ nằm ở đôi tay, mà là sự phối hợp sức mạnh của toàn thân.

Cuối cùng là I-chi – sự hợp nhất. Lĩnh hội được “Khí, Kiếm, Thể, Nhất”, kiếm sĩ xem như đã bước đầu thành công trên con đường luyện thập kiếm đạo.

Ngoài vai trò là môn nghệ thuật quân sự, kiếm đạo còn được xem là môn thể thao nghiêm khắc. Kiếm đạo chú trọng tốc độ xuất kiếm, chiêu thức đơn giản, gọn gàng.

Một yếu tố không thể thiếu trong thi đấu cũng như luyện tập của các kiếm sĩ là tiếng thét, tiếng Nhật gọi là Ki-ai. Tiếng thét dùng để biểu lộ tinh thần thi đấu và làm đối phương mất tập trung. Đồng thời các kiếm sĩ cũng sử dụng những bước giậm chân để tăng thêm sức mạnh của đòn đánh.

Kiếm đạo là môn thể thao mà mục tiêu của kiếm sĩ không đơn thuần là đánh bại đối phương, mà còn hướng tới sự cân bằng giữa cơ thể dẻo dai với tinh thần lành mạnh.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *