Bên bờ hạnh phúc

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường nội địa, ngoài cá tráp biển đánh bắt ngoài tự nhiên, người Nhật cũng nuôi cá tráp tại những bè cá ven biển. Cá tráp tự nhiên hiện chỉ chiếm 20% nguồn cung trong khi cá nuôi chiếm đến 80%.

Một bức tượng cá tráp đỏ tại Nhật

Câu cá tráp biển là nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Ngày nay, nghề này vẫn được nhiều ngư dân lớn tuổi tại tỉnh Ehemi theo đuổi.

Những lão ngư có 30 năm làm nghề câu cá tráp biển sẽ được xếp vào bậc Sakura nhờ tài câu cá giỏi cùng kinh nghiệm dày dặn. Tại Nhật, những ngư dân câu cá tráp biển được chia ra làm 3 bậc dựa vào tay nghề. Bậc Sakura là cao nhất. Ngư dân câu cá tráp biển sử dụng những con mực bé xíu để làm mồi vì đây là món ăn khoái khẩu của cá tráp biển. 

Mực để câu cá tráp biển phải còn sống nên việc bảo quản rất quan trọng. Các ngư dân câu cá tráp biển bằng mồi mực cũng phải khéo léo móc mồi sao cho những con mực vẫn còn đủ sức bơi trong nước.

Vùng biển tại tỉnh Toshima nổi tiếng với dòng nước chảy xiết và những luồng nước xoáy hung hãn. Cá tráp biển sinh sống ở đây có thịt chắc và thơm ngon hơn những nơi khác.

Cá tráp biển nuôi có màu xám….

…trong khi cá tráp tự nhiên thì có màu hồng tươi rất đẹp

Ngoài mực nhỏ thì cá Ikanago cũng là món ăn ưa thích của cá tráp biển. Khác với phương pháp câu cá bằng mực, những con cá Ikanago dùng làm mồi móc vào lưỡi câu đã chết nhưng vẫn còn tươi. Trong phương pháp câu cá tráp biển bằng mồi cá Ikanago thì ngư dân cần thêm một dụng cụ rất quan trọng nữa. Đó là chiếc ống nhựa có chiều dài 50 cm có tên gọi ống mồi nhử.

Chiếc ống mồi nhử dùng để đựng những con cá Ikanago còn sống. Người ta cho cá vào trong ống, kế đến, ném chiếc ống xuống biển. Ống có nắp đậy để cá không thoát ra ngoài trong quá trình chìm xuống đáy biển, đầu còn lại của chiếc ống được cột một sợi dây dài, trên đó gắn theo nhiều dây câu.

Ống mồi nhử khi đạt độ sâu cần thiết dưới đáy biển, ngư dân sẽ giật mạnh dây để nắp ống mở ra giải thoát cho lũ cá Ikanago. Lúc này, cá Ikanago trở thành mồi nhử cá tráp biển đến ăn mồi.

Địa điểm thả ống nhử mồi thường là nơi gặp gỡ giữa hai luồng nước, ống được đưa xuống độ sâu khoảng 60 mét. Trong lúc cá tráp biển ăn mồi sống, chúng cũng vô tình đớp phải những con mồi được gắn trên lưỡi câu. Cá tráp biển rất háu mồi, do đó, nếu gặp luồng cá, chỉ vài phút thả câu, cá đã mắc mồi.

Sau khi được tận mắt chứng kiến ngư dân câu cá tráp biển, chúng ta sẽ đến thị trấn Uwajima ở tỉnh Ehime để tìm hiểu về nghề nuôi cá tráp.

Bè nuôi cá tráp 

Một thời gian dài trước đây, người tiêu dùng Nhật Bản xem cá tráp biển nuôi là hàng kém chất lượng so với cá tự nhiên. Để xoá bỏ quan niệm này, những người nuôi cá đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng giá trị của con cá nuôi. Trong đó, thức ăn là một phần rất quan trọng. Ngày xưa, người nuôi cá tráp biển chỉ chú trọng đến việc cho cá ăn thực phẩm nào để chúng mau lớn. Nhưng hiện nay, điều đó đã thay đổi.

Những người nuôi cá đã sử dụng 8 loại thức ăn khác nhau để cho cá ăn từ giai đoạn cá non đến lúc trưởng thành. Kích thước của những viên thức ăn này lớn nhỏ không đồng đều tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng của cá. Nguồn thức ăn cung cấp cho trang trại nuôi cá được những người chủ trang trại tự sản xuất nên rất an toàn và hiệu quả. Trong thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó, nếu cá được nuôi dưỡng bằng nguồn thực phẩm này thì thịt của chúng vừa rắn chắc vừa ngọt.

Ngoài chất lượng thịt, người nuôi cá còn chú trọng đến màu sắc bên ngoài của cá tráp biển nuôi. Đây là công việc rất công phu. Cá tráp biển nuôi thường có da xám nắng rất xấu trong khi cá tự nhiên có da hồng sáng. Để che nắng cho cá, họ phủ lưới đen lên tất cả bè cá nuôi.

Cá tráp biển ngoài tự nhiên sinh sống ở vùng nước sâu, ít bị ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Trái lại, cá tráp biển nuôi sống trong bè cá gần mặt nước, chúng hấp thụ những tia nắng chiếu trực tiếp nên da chúng trở nên đen đúa. Những tấm lưới màu đen tỏ ra có hiệu quả trong việc hạn chế ánh nắng mặt trời.

Ngoài ánh nắng mặt trời, màu hồng trên da cá tráp biển tự nhiên còn được quyết định bởi nguồn thức ăn của chúng. Cá tráp biển tự nhiên ăn tôm và cua, khi vào cơ thể cá, sắc tố đỏ có trong tôm, cua chuyển hoá, sau đó thể hiện ra bề ngoài của cá.
Để cá có màu đỏ đẹp mắt, những người nuôi cá đã sử dụng loại hoa có sắc đỏ thẵm làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá. Nguồn thức ăn này được cá tráp biển tiêu thụ lâu ngày, vì vậy, nó cũng có tác dụng trên cơ thể cá tương tự như cá ngoài tự nhiên.

Ngày nay, cá tráp biển nuôi không còn là mặt hàng kém chất lượng, vẻ đẹp bên ngoài của con cá cùng vị thơm ngon của thịt cá đã được người tiêu dùng công nhận. Nguồn cá tự nhiên ngày càng khan hiếm, điều đó không khiến người Nhật quá lo lắng vì họ đã có cái để thay thế, đó là những con cá tráp biển nuôi chất lượng cao.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *