Bên bờ hạnh phúc

Truyền thống sử dụng cá tráp biển trong ẩm thực và dâng lên thần linh đã tồn tại ở Nhật Bản cách đây hàng ngàn năm. Ngày nay, truyền thống đó vẫn được mọi người gìn giữ một cách trân trọng.

Cá tráp biển là một trong số linh vật xuất hiện phổ biến trong tranh ảnh của người Nhật.

Tại di tích khảo cổ thuộc thời kỳ Jomon tồn tại cách nay khoảng 5.000 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy xương cá tráp biển hoá thạch. Điều đó chứng tỏ rằng, ngay từ thời cổ đại, người Nhật đã ăn cá tráp biển.

Tuy nhiên, cá tráp biển không xuất hiện trong các nghi lễ tôn giáo ở giai đoạn trước thế kỷ XV. Khi ấy, các thầy tu trong Thần đạo chỉ sử dụng cá chép. Lý do là vào thời điểm đó, ngư nghiệp chưa phát triển và nguồn hải sản đánh bắt còn hạn chế. Ngoài ra, đây cũng là lúc người Nhật chịu ảnh hưởng mạnh của văn hoá du nhập từ Trung Quốc.

Từ xa xưa, ngư dân chỉ dùng dây câu để bắt cá tráp biển và phải luôn giữ cho cá sống

Cá tráp biển thật sự trở nên phổ biến ở Nhật Bản khi giới võ sĩ Samurai lên nắm quyền. Vào thời Edo, cá tráp biển bắt đầu được sử dụng làm biểu tượng cho sức mạnh và may mắn trong văn hoá cũng như tín ngưỡng. Ngạnh sắc nhọn cùng lớp vảy cứng của loài cá này là nguồn cảm hứng để tạo ra những bộ áo giáp của chiến binh samurai.

Bên cạnh ưu điểm là có thịt ngon ngọt, màu đỏ đẹp mắt của cá tráp biển đã góp phần tôn vinh giá trị của nó như là một món ăn quý trên bàn tiệc và chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong tín ngưỡng.

Tướng quân Tokugawa Ieyasu, vị tướng quân đầu tiên dưới thời Mạc phủ, là người có sở thích đặc biệt đối với cá tráp biển. Trong 3 bữa ăn hàng ngày của ông đều có các món được chế biến từ cá tráp. Tướng quân thích nhất là món Tempura cá tráp biển.

Tướng quân Tokugawa Ieyasu – người có sở thích đặc biệt với cá tráp biển

Vì là thực phẩm cao cấp nên cá tráp biển được đánh bắt rất cẩn thận, ngư dân chỉ dùng dây câu để câu cá và phải giữ cho cá sống.

Khi nguồn cung trở nên dồi dào, cá tráp biển bắt đầu xuất hiện trên bàn ăn của dân chúng. Cá được bảo quản cẩn thận và thương buôn gánh chúng đi bán khắp các nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Đây cũng là lúc ra đời nhiều món ăn mới.

Thương buôn gánh cá tráp biển đi bán khắp các nẻo đường

Từ thời Edo, cá tráp biển là một trong số linh vật xuất hiện phổ biến trong tranh ảnh tín ngưỡng của người Nhật. Hình ảnh thần bảo trợ thương mại và ngư nghiệp Ebisu, tay trái của thần đang giữ chặt con cá tráp đỏ tượng trưng cho việc kinh doanh phát đạt.

Tín ngưỡng thờ thần Ebisu được người dân của thành phố thương mại Osaka bảo tồn mạnh mẽ. Vào tháng 9 hàng năm, cư dân địa phương tổ chức nghi lễ dâng cá tráp biển lên đền thờ thần Ebisu ở trung tâm thành phố. Truyền thống đó đã có từ thời Edo. Lễ vật là những con cá tráp biển lớn và tươi. Khách viếng đền vào dịp này thường đặt tiền lên mình cá tráp hoặc chạm tay vào mình cá để cầu may mắn và công việc làm ăn thuận lợi.

Thần Ebisu giữ chặt con cá tráp đỏ tượng trưng cho việc kinh doanh phát đạt

Trẻ con Nhật Bản cũng được dạy cách bảo vệ loài cá quý này bằng hành động thả cá về với biển khơi. Đó chỉ là việc làm mang tính tượng trưng nhưng không ít trong số những chú cá nhỏ được thả đi này sẽ trở thành nguồn thực phẩm giá trị khi chúng trưởng thành.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *