Bên bờ hạnh phúc

Vừa đến Murgab, làng quê biên giới Tajikistan nằm trên cao nguyên Pamirs, đổi tiền xong, tôi cầm những tờ tiền Somoni mới thấy lần đầu ra ngắm nghía. Thấy tôi săm soi tờ 20 TJS (Tajikistan Somoni), cậu trai con chủ nhà nghỉ nói với vẻ tự hào pha chút tiếc nuối “Anh thấy đẹp không? Pháo đài cổ Hissar đó. Khi nào tới thủ đô Dushanbe, anh nhớ ghé đó thăm nghen! Em còn chưa được đi tới đó nữa!”

Rồi tôi lưu lạc vùng Pamirs, lên đến biên giới Afghanishtan,… thỉnh thoảng lấy tờ 20 TJS ra xài, tôi lại liếc qua pháo đài Hissar một cái, như lời thầm hẹn.

Thủ đô rộn rịp và sống động

Sau những ngày lang bạt, cuối cùng tôi cũng đến được Dushanbe. Thủ đô nhỏ nhắn, trẻ trung với những con đường rợp bóng cây, những bảo tàng di tích từ thời Alexander Đại Đế; pho tượng Phật nằm của thời kỳ Kushan, hơn 1.500 tuổi, dài 13m, lớn nhất vùng Trung Á; những tranh tường, chạm khắc tinh xảo của người Sogdian vùng Penjikent… cứ cuốn hút tôi mê mải. Rồi những ngôi thánh đường Hồi giáo mái vàng lấp lánh giữa vườn xanh, những ngọn tháp cao ngất vang tiếng kinh cầu. Những phiên chợ đông vui ngồn ngộn cây trái địa phương đang mùa như nho, táo… với giá rẻ bất ngờ, những phẩm vật từ thảo nguyên Trung Á lạ lẫm, lôi cuốn, và cả những nụ cười chân chất đáng mến của người dân địa phương khi thấy kẻ lạ cứ tọc mạch chĩa ống kính vào bất cứ mọi thứ… Chưa kể những bistro (quán bia) ven đường, bên công viên hoa đang rộ nở, những chiếc bánh mì dẹt vàng ruộm, giòn tan, những dĩa kebab bốc khói, thơm quyến rũ, những ly bia vàng lạnh sóng sánh giữa ngày nắng; rồi những cô gái Tajikistan mắt huyền lung linh ngồi bàn kế bên làm tôi cứ như… mê muội, như quên mất Hissar. Tôi cứ lần lữa mãi ở Dushanbe… nhưng rồi cũng phải tìm đến Hissar.

Pháo đài Hissar Qala (Qala là tiếng Tajik, có nghĩa là pháo đài) được xây dựng vào thế kỷ 18. Tuy không cổ lắm như một số di tích từ thời Alexander Đại Đế kéo quân qua miền đất này, Hissar rất nổi tiếng ở Tajikistan, vùng Trung Á nói riêng và Liên Xô cũ nói chung. Một cuộc chiến tang thương đã xảy ra ở đây vào những năm đầu thế kỷ 20, khi nhà nước Liên Xô non trẻ vừa mới hình thành. Cuộc chiến qua đi, cuộc sống vẫn tiếp diễn… nhưng có lẽ để nhắc nhớ đến thời kỳ khó khăn đó, Tajikistan đã ghi dấu Hissar trên tờ 20 TJS, theo như lời cậu bé đã nói – dù đất nước Tajikistan còn rất nhiều di tích cổ xưa hơn…

Hissar quạnh hiu với những di tích cổ

Tôi từ xa ngơ ngác nhìn Hissar Qala quạnh quẽ trong cái nắng rực rỡ bên những ngọn đồi cỏ mùa thu đã úa. Đúng thật sự là cái cổng pháo đài to lớn, hoành tráng thật, nhưng sao một mình vắng vẻ! Đến gần hơn và tôi chợt hiểu. Nằm giữa hai ngọn đồi cao, trong những ngọn đồi chạy san sát nhau ôm quanh thung lũng, Hissar Qala nhìn xuống những nhà thờ, các học viện Hồi giáo cổ xưa từ thế kỷ 16… Pháo đài, và tường thành bao quanh, giờ đã tan nát, chính là để trông coi, bảo vệ miền đất đẹp này. Những lăng mộ còn lại quanh vùng dù thời gian, dù gió thảo nguyên hú ngày đêm, dù mùa hè nắng cháy mùa đông giá băng… giờ vẫn còn lộng lẫy. Thánh đường, học viện xưa giờ là bảo tàng lưu dấu biết bao giá trị văn hoá xưa cũ. Gần đó, còn có cả di tích của các caravanserai – nhà nghỉ được xây dựng vào các thế kỷ trước, dành cho khách thương hồ cùng các đoàn ngựa thồ, lạc đà… chở hàng dừng chân nghỉ ngơi; cũng như tập trung thành đoàn người để cùng nhau đi vào những vùng quạnh vắng và nguy hiểm… Không xa đó là dấu tích của nhà tắm công cộng, một nét văn hoá xưa thú vị và vẫn còn lưu truyền đến hiện nay ở Trung Á… Không chỉ riêng Hissar, cả pháo đài cùng với những di tích này hoà quyện nhau, hấp dẫn du khách, cả về giá trị văn hoá và lịch sử. Những gì đã mất mát cần phải được lưu lại và ghi dấu.

Tôi leo lên đồi, lên Darvazar-i-Ark, chiếc cổng to lớn của Hissar Qala nhìn núi đồi thảo nguyên hùng vĩ Tajikistan thênh thang. Giá như có tiếng ngựa hí quanh đây… chắc tôi nghĩ mình đã trở về ngày xưa đó, là một thương khách vừa đến, cột ngựa bên caravanserai và mong chờ thiếu nữ mắt huyền duyên dáng bê bình rượu ân cần tiếp đón (!). Chợt có tiếng người gọi tôi thật. Té ra tôi chưa mua vé! Dù giá vé chỉ là 1 TJS (khoảng 4.000 đồng), hơi chưng hửng, tôi móc túi lấy tờ 20 TJS ra trả. Tôi muốn Qala Hissar được “nhìn” thấy chính mình trên tờ tiền và như lời cảm ơn tôi chưa nói được vậy.

Theo SGGT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *