Nhiều đôi mắt đỏ hoe vì xúc động sau khi cảnh cuối cùng của vở diễn kết thúc. Mặc dù tấm màn nhung đã khép lại nhưng tiếng vỗ tay tán thưởng vẫn kéo dài.

Cuối cùng, Hãy khóc đi em, vở diễn tái dựng gây tò mò nhất trong tháng của sân khấu Hoàng Thái Thanh đã làm hài lòng phần đông khán giả. Điều này có lẽ đạo diễn Ái Như đã cảm nhận được khi mà những giọt nước mắt hạnh phúc của chực trào ra khi ra chào cảm ơn khán giả.

Cao trào ở phút cuối

Ngay từ đầu, đạo diễn Ái Như đã kể một câu chuyện khiến cho người xem có cảm giác nhân vật phụ lấn lướt nhân vật chính. Khoảng thời gian mà cái ngang tàng của Hướng (NSƯT Thành Hội), cái sự tọc mạch có dụng ý xấu của bà Thu (Ái Như), và cái nét ngây ngô nhà quê của Thắm (Hồng Ánh) đã lấy được tiếng cười người xem. Trong khi đó nhân vật Phương của Quang Thảo vẫn chưa tạo được “ép phê” như người xem như đã từng thấy ở Thành Lộc nhiều năm trước. Kể cả Thanh Thủy cũng chưa thấy một Hạnh có gì là bất hạnh.

Sau 7 năm, Thanh Thủy lại trở lại với nhân vật Hạnh. Ảnh: Nguyễn Á

 

 

Nhưng chính cái cách “giấu bài” này mà ở phần hai, người xem đã bất ngờ trước một Phương quá quỷ quyệt trong gương mặt trí thức. Thực tế Quang Thảo đã không lột tả tận cùng tính cách đê hèn của một “ngụy quân tử” giống như Thành Lộc, bản thân anh cũng không thể thoát khỏi áp lực khi biết rằng sẽ bị so sánh nên có thể thấy, trong tất cả các nhân vật trong vở diễn, anh là người diễn có phần gồng mình hơn, nên vô tình từ giọng nói và điệu bộ của anh phần nào cũng thấy bị ảnh hưởng bởi Thành Lộc tuy vẻ bề ngoài anh có phần mạnh mẽ hơn của một gã đàn ông đầy tham vọng.

Nói cách khác, đạo diễn Ái Như đã cố tạo ra một Phương khác cho Quang Thảo và anh đã làm khá tròn vai. Tuy nhiên, tâm điểm tạo nên thành công của Hãy khóc đi em nằm ở phút cuối cùng của vở diễn. Khi mà Hạnh như tê cứng trong một bi kịch lừa dối đã bật lên tiếng khóc nức nở. Cách diễn của Thanh Thủy đã cho người xem thấy được một nỗi đau nén lại, đông cứng trong tâm hồn người vợ chỉ biết cho đi mà không hề nhận lại. Dáng đi nhẹ tênh như chiếc bóng, ánh mắt thất thần của chị truyền cho người xem một nỗi đau chất chứa đến tột cùng. Khoảnh khắc đắt giá này đã làm thổn thức trái tim và lấy được những giọt nước mắt của người xem.

Ảnh: Internet

 

Không có khoảng cách chính – phụ

Rõ ràng khi xem đến đoạn kết của vở diễn, người xem mới nhận ra tính cách trung tâm của nhân vật Hạnh. Bởi vì đạo diễn Ái Như đã dành phần lớn đất diễn cho các nhân vật phụ. Và mỗi nhân vật điều để lại một dấu ấn riêng cho vở diễn. Thành Hội đã làm người xem vừa cười, vừa đau trước mối tình đơn phương mà anh dành cho Hạnh. Hồng Ánh mới là một cô gái quê ngờ nghệch bỗng chốc trở nên quá điêu ngoa. Còn Phương của Quang Thảo thì cũng rất ư hiền lành trong gương mặt trí thức cũng rất lưu manh trong màn đánh nhau với Hướng.

Tất cả những tính cách ấy đã bổ sung cho nhau để cho nỗi đau của Hạnh được đầy lên cao trào. Và tài năng của Thanh Thủy đã cho người xem thấy được một người đàn bà đang sống trong tận cùng của bi kịch tình yêu. Nhờ vậy, mà khán giả mới có một vở diễn đáng xem, một bi kịch có cả tiếng cười lẫn những giọt nước mắt…

Dù xuyên suốt vở để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc, tuy nhiên vở diễn cũng có những đoạn khiến người xem hụt hẫng. Đó là cảnh Hạnh và Hướng cùng chơi với nhau ngoài ruộng, cả hai vô tư nhảy dây, cười đùa và nhớ về tuổi thơ của mình làm khán giả có cảm giác Hạnh là một người nào đó khác chứ không phải là Hạnh dịu dàng, nết na hết lòng với chồng.

Cảnh Hướng và Phương rượt đuổi nhau cũng quá lê thê, giống như hai đứa trẻ vờn nhau hay quá nhiều câu chửi thề của Hướng cũng gây phản cảm. Nhưng đáng nói nhất là nhân vật Bảnh (Nguyễn Long) khi xuất hiện phân đoạn đầu, anh nói vừa cười như điên, trông rất vô duyên và làm mất đi tính nghiêm túc của vở diễn.

 

Theo datviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *