Bên bờ hạnh phúc

Tháng hành động có chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em”. Đây là hoạt động thường niên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khuyến khích, vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân quan tâm ủng hộ các chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng các công trình dành cho trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em”

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả trên từng lĩnh vực hoạt động. Điều này được thể hiện ở việc các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch và chương trình cụ thể để đưa các nội dung và chỉ tiêu về công tác trẻ em vào thực tế. Nhờ đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được chú trọng không chỉ trong nhận thức, mà bằng những hành động thiết thực.

Phòng khám Khoa Vật lý trị liệu Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 20 trẻ em đang được các cán bộ điều dưỡng tập vật lý trị liệu và hướng dẫn người nhà tập cho các cháu. Bà Phan Ngọc Lợi, ở xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít – là nội của cháu Lê Anh Duy, 16 tháng tuổi – cho biết, đã 16 tháng nay, bà và cha mẹ bé Duy luôn mong ước có phép thần để giúp bé Duy có thể đi lại, vận động được như bao đứa trẻ khác. Bé Duy sinh ra đã bị khoèo cả tay lẫn chân. Gia đình bé Duy thuộc diện hộ nghèo ở xã nên không có tiền đưa cháu đi khám và chữa bệnh. Đến khi được các cán bộ y tế địa phương vận động, gia đình bé Duy mới đưa cháu đến Phòng Vật lý trị liệu này để khám và điều trị. Tại đây, bé Duy được cán bộ điều dưỡng nhiệt tình điều trị và hướng dẫn người nhà tập cho cháu. Hơn hai tuần qua, cứ mỗi sáng sớm là bé Duy đã có mặt ở đây để tập vật lý trị liệu, mức độ khoèo tay khoèo chân đã giảm. Giờ đây, ước nguyện của cả gia đình là mong bác sĩ chữa trị để cháu được đi lại, vui chơi và đến nhà trẻ như bao trẻ em bình thường khác cho cháu đỡ tủi.

Tương tự, hoàn cảnh chị Trần Thanh Nguyệt, ở xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, cũng thật khó khăn. Nhà nghèo, không có ruộng đất để sản xuất, gia đình phải sống nghề làm mướn. Cháu Võ Hồng Phúc sinh ra bình thường như bao trẻ khác, song càng lớn, đôi chân của Phúc càng trở nên teo tóp, co quắp, không thể đi lại được. Thương con thắt ruột nhưng chị biết kiếm đâu ra một khoản tiền lớn để đi khám chữa cho con, “tài sản” chỉ vỏn vẹn có căn nhà cấp bốn đã quá dột nát nên chị đành nhìn con “lớn” lên trong thiệt thòi. Điều đáng mừng là trong đợt khảo sát vừa rồi, bé Phúc được các cộng tác viên vận động, nên gia đình mới đưa cháu đến đây để khám. Qua hơn nửa tháng điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, cổ và lưng bé Phúc đã dần cứng lại, không còn quặc quẹo như trước nữa.

Duy và Phúc là hai trong số những trẻ khuyết tật thuộc hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Long được các y – bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh khám miễn phí thường xuyên. Đây là chương trình nhân đạo của Trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật trong tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt. Theo bác sĩ Trần Kim Chi – Phó Trưởng khoa Vật lý trị liệu – trước đó, chính quyền địa phương kết hợp với các cộng tác viên của Trung tâm đã đến từng gia đình vận động, tuyên truyền để các cháu được đưa đi thăm khám đầy đủ, đúng đối tượng của chương trình. Đối với các gia đình nghèo không may có con bị khuyết tật thì đây là cơ hội hiếm có để các cháu được chăm sóc về y tế, nhất là phục hồi chức năng.

Đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đến một lớp học của trẻ khiếm thính. Do đây là lớp học chuyên biệt, nên tất cả mọi giao tiếp giữa giáo viên và học sinh đều bằng đôi tay và hình thể. Hôm chúng tôi đến, lớp 5 thuộc chương trình tiểu học tật học này đang học “nói” từ “bức tranh”. Bên dưới, các em tròn xoe mắt chăm chú quan sát cô giáo Võ Thị Phương Thùy để học theo. Qua diễn đạt, cô Thùy phải chịu khó vận dụng toàn bộ cơ thể mình, từ tay, đến mắt, miệng… nhiều lần nên các em mới hiểu đúng từ “bức tranh” mà các em đang học. Việc học “nói” nhọc nhằn như thế nên mỗi tiết học, cô và trò chỉ “giải quyết” được 1 – 2 từ là đạt hiệu quả. Điều này cho thấy, những thầy cô giáo ở đây thật sự luôn muốn đem đến cho các em niềm vui, được học hành như bao bạn bè trang lứa khác. Với mong muốn là giúp cho bao thế hệ học trò khuyết tật được thắp lên niềm tin vượt qua mặc cảm, vượt qua những trở ngại để bước vào cuộc sống.

Chúng tôi đến thăm cơ sở dạy nghề của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long. Hiện cơ sở này có 4 học viên nữ khuyết tật đang theo học lớp làm móng do giáo viên dạy nghề Nguyễn Thị Bích Thủy phụ trách. Tất cả 4 học viên : Nguyễn Thị Bé (22 tuổi, ở Trà Ôn) bệnh khoèo chân; Đặng Thị Hạnh Phúc (18 tuổi, ở TP Vĩnh Long) bệnh hoang tưởng; Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi, ở Long Hồ) mất khả năng nghe – nói và Cao Thị Cẩm Yến (22 tuổi, ở Vũng Liêm) bệnh đại tràng, đều có chung hòan cảnh là nhà nghèo, đông anh em. Ngay từ nhỏ, các em này đều bị hạn chế trong đi đứng và ăn nói, gặp lúc ức chế tình cảm càng trở nên "ấm ớ", nay ốm mai đau. Ngày các cán bộ Trung tâm đi khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của thanh – thiếu niên khuyết tật đến nhà, các em nằng nặc đòi được học nghề. Lúc đó, có em nhất quyết xin đi học nghề làm móng, có em đòi học nghề uốn tóc, học may v.v… Nhưng thấy sức khỏe, điều kiện khó đáp ứng được nên cán cán bộ trung tâm định hướng cho các em học nghề làm móng. Cô Nguyễn Thị Bích Thủy – giáo viên dạy nghề – cho biết : Sau hơn 3 tuần học nghề, mà các em Bé, Phúc, Hiền, Yến đã biết khá nhiều về nghề này.

Em Nguyễn Hữu Trọng, 28 tuổi, ở xã An Phước, huyện Mang Thít cũng là một trường hợp được hỗ trợ học nghề đặc biệt. Các đây hơn 10 năm, em cùng cha mẹ đi ép gạch mướn cho các chủ lò ở làng nghề gạch ngói Cổ Chiên để kiếm sống nhưng không may bị tai nạn lao động và bị đứt một cánh tay. Theo nguyện vọng, em Nguyễn Hữu Trọng được theo học khóa rửa xe tại cơ sở dạy nghề của Trung tâm. Tại đây, em đã cố gắng hoàn thành khóa học, sau đó được giữ lại phục vụ cho điểm rửa xe tại Trung tâm. Qua hỗ trợ học nghề, em Trọng đã tích cóp được những đồng tiền do chính công sức của mình làm ra để duy trì việc học. Hiện thời, em là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Kinh tế – Tài chính Vĩnh Long. Theo đánh giá của anh Hứa Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, dự án này được thực hiện trên toàn tỉnh, nhưng các mô hình triển khai ở Trung tâm này là đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

Điều đáng ghi nhận nhất là Vĩnh Long đã dành sự quan tâm thỏa đáng cho mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Ngoài các chế độ chính sách theo luật định, tỉnh đã chăm lo cho để các em có được cuộc sống ổn định với các chương trình phẫu thuật chỉnh hình như phẫu thuật mắt (13 em), sứt môi – khe hở hàm ếch (78 em), cấp xe lăn, giày nẹp, khám cấp thuốc miễn phí, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (1.327 em)… Ngoài ra, còn hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng 305 trẻ mồ côi tại cộng đồng, cất 137 căn nhà tình thương (25 – 30 triệu/căn) cho 411 trẻ mồ côi cha mẹ, cấp học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo (2.191 suất học bổng, gần 2 tỉ đồng), tặng xe đạp (78 chiếc).

Để tạo điều kiện tốt cho việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người già cô đơn đang được nuôi dưỡng, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận kinh phí 24.100 USD do tổ chức ADECOP – Tây Ban Nha tài trợ. Với kinh phí 24.100 USD (tương đương 460 triệu đồng), tổ chức ADECOP sẽ góp phần giúp đỡ cho 20 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và 100 cụ già đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh cải thiện điều kiện sống từ vật chất đến tinh thần. Các trẻ em và cụ già được bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, được chăm sóc, học hành, vui chơi, khám chữa bệnh nhằm nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực và tâm sinh lý bình thường như bao trẻ em khác ngoài cộng đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong 12 tháng, từ tháng 3/2010 đến tháng 02/2011.

Nhìn chung, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em ở Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn không ít những trẻ em, nhất là trẻ ở vùng nông thôn, trẻ lang thang bị đánh đập, ngược đãi, bị lạm dụng sức lao động, nhiễm HIV và đau lòng nhất là một số trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Theo số liệu điều tra, hiện nay, cả tỉnh có trên 25.000 trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó đáng quan tâm là 3.125 trẻ khuyết tật, 1.223 trẻ em phải lao động sớm, 3.659 trẻ em mồ côi – trong đó 1.076 em mồ côi không nơi nương tựa; hàng chục trẻ em bị xâm hại và hơn 60 trẻ em vi phạm pháp luật. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em vẫn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, nhất là trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao dân trí, thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *