ĐBSCL được xem là vựa lúa gạo, thủy sản và trái cây lớn nhất của cà nước. Hàng năm các mặt hàng nông sản chủ lực của khu vực này đã mang hàng tỷ đô-la Mỹ về cho đất nước. Tuy nhiên, giá trị của sản phẩm và lợi nhuận của người nông dân thu được trái ngược với việc gia tăng sản lượng. Làm gì để nâng cao giá trị nông sản chủ lực ĐBSCL?

Năm 2012 kết thúc, đánh dấu một năm thắng lợi của hạt gạo VN khi mà sản lượng xuất khẩu đạt 7,7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó ĐBSCL đóng góp 90% sản lượng này.

 

Tuy đã vượt về lượng so với năm 2011, giá trị hạt gạo xuất khẩu năm 2012 lại thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, trong năm trước, cả nước xuất khẩu gạo chỉ 7,1 triệu tấn nhưng kim ngạch đạt đến 3,5 tỷ đô-la Mỹ. Còn trong năm nay, sản lượng xuất khẩu 7,3 triệu tấn nhưng kim ngạch chỉ đạt 3,2 tỷ đô-la Mỹ. Giá gạo của VN năm nay không những thấp hơn năm trước mà còn thấp hơn giá gạo của nhiều nước, như: Thái Lan và gần đây là Ấn Độ, quốc gia dẫn đầu xuất khẩu gạo của thế giới trong năm 2012.

 Sự thiếu định hướng sản xuất dài hạn khiến cho người nông dân lúng túng trong lựa chọn giống lúa phẩm cấp cao hay giống lúa phẩm cấp thấp. Vì thế mới có hiện tượng năm diện tích lúa thơm trồng nhiều thì nông dân không bán được hoặc bán bằng giống phẩm cấp thấp như 50404 và ngược lại. Điều này dẫn đến điệp khúc trúng mùa rới giá diễn ra thường xuyên. Dù chính phủ có định hướng cho các doanh nghiệp thu mua lúa bảo đảm 30% lợi nhuận cho người nông dân nhưng thực tế nông dân vẫn phải bán theo giá thị trường do thương lái quyết định. Trong khi đó nông dân chịu cảnh sống chung với tăng giá vật tư và chi phí đầu vào như phân, thuốc và nhân công thu hoạch. Thêm vào đó lúa gạo là mặt hàng thiết yếu phải chịu sự bình ổn giá nên cũng không thể tăng giá tùy tiện.         

Trong khi đó, để giải bài toán trúng mùa rớt giá, giải pháp đề ra là thu mua tạm trữ. Song, mặt  hàng chỉ định tạm trữ là gạo trong khi lúa đầy đồng vẫn cứ rớt giá vì nông dân thiếu sân phơi, lò sấy. Khi gạo là mặt hàng tạm trữ thì đối tượng được hưởng chính là các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội lương thực VN, gọi tắt là VFA, chứ không phải người nông dân. Do vậy, lãi suất ưu đãi 0% trong suốt nhiều tháng tạm trữ thì chính doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi. Người nông dân hoặc những doanh nghiệp ngoài hiệp hội lương thực VN cũng phải vay vốn theo lãi suất thông thường. 

Trong khi đó, thời gian vừa qua, lãi suất luôn là một áp lực đối với người nông dân. Như lĩnh vực nuôi cá tra, nhu cầu vốn vay rất lớn nhưng hiện nay rất ít ngân hàng mạnh dạn đầu tư. Nguyên nhân là do ngành nghề này được xem là rủi ro cao. Giá cá tra thường xuyên ở mức dưới giá thành khiến cho người nuôi cá thua lỗ. Do vậy, hiện nay số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ giảm dần, thay vào đó là hình thức nuôi gia công hoặc vùng nuôi do chính doanh nghiệp chế biến đầu tư. Người nuôi cá vì vậy rất lao đao do thiếu vốn để tái đầu tư và không ít hộ gần như phá sản. 

 

Thực tế thời gian qua cho thấy, chính sách hỗ trợ phát triển đối với mặt hàng nông sản chủ lực khá nhiều. Tuy nhiên, phần nhiều trong số các chính sách mang tính hỗ trợ thiệt hại hơn là chương trình phát triển dài hạn. Như việc hỗ trợ thiệt hại cho nông dân có nhãn bị bệnh chổi rồng, hỗ trợ thiệt hại dịch cúm gà hay lở mồm long móng trên gia súc, v.v… Một số chính sách hỗ trợ phát triển nhưng lại mang tính thời vụ ngắn hạn. Việc thiếu kinh phí để tái thẩm định tiêu chuẩn sản xuất bưởi 5 roi theo tiêu chuẩn GAP ở Bình Minh, Vĩnh Long là một điển hình như vậy.

 Việc liên kết vùng trong sản xuất nông sản là một chủ đề tại hội thảo về rà soát cơ chế chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, vừa diễn ra tại Tiền Giang đầu tháng 12 vừa qua. Đây không chỉ là một yêu cầu tất yếu trong sản xuất hàng hóa qui mô lớn mà còn phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có ảnh hưởng rõ nét đối với vùng châu thổ này. 

 Thời gian qua, nông sản trong nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đã góp phần đưa VN nắm giữ vai trò của một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới nhiều chính sách đối với mặt hàng nông sản sẽ phải có sự thay đổi cho phù hợp với những cam kết giữa VN với tổ chức thương mại thế giới WTO. Trước mắt là thuế nhập khẩu nông sản Asean vào VN còn 0% vào năm 2015. Do vậy, thời gian không còn nhiều để có một chính sách phù hợp. Trong đó, xuất khẩu nông sản có thương hiệu, qua chế biến để có giá trị gia tăng cao là một tất yếu thay vì tập trung xuất thô như hiện nay. 

Thực tế từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua cho thấy chính nông sản cứu nguy cho đất nước, giúp hạn chế nhập siêu và bảo đảm an ninh lương thực. Do vậy, cần tiếp tục có những chính sách phù hợp để phát triển nông sản trong bối cảnh sản lượng tăng nhưng giá trị lại giảm như những năm vừa qua.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *