Bên bờ hạnh phúc

Bộ GD&ĐT vừa công bố 12 sự kiện nổi bật của ngành năm 2008. Nói không với tiêu cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo,… được chọn vào top 12 này.

1. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Hai không" (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

Cuộc vận động "Hai không" được ngành giáo dục cả nước tiếp tục triển khai quyết liệt và nhận được sự đồng tình của xã hội.

Ngành Giáo dục đang đổi mới rất nhiều, phục vụ sự nghiệp giáo dục nước nhà. (Ảnh: Internet)

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008 đã diễn ra nghiêm túc hơn so với thời kỳ trước 2007. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc qua hai đợt thi năm 2008 là 86%, cao hơn năm học trước 6%.

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm tạo một bước đột phá trong việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện cho học sinh cũng đã được phát động.

2. Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020 được Bộ GDĐT xây dựng từ tháng 8/2007 với sự tham gia của 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài ngành.

Dự thảo chiến lược xác 3 mục tiêu và 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp có tính đột phá để phát triển giáo dục tới 2020.

Cuối tháng 2/2009, Bộ GDĐT sẽ tổng kết việc góp ý kiến của tất cả các giới trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược để báo cáo Chính phủ.

3. Triển khai mạnh mẽ chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội

Đã có 12 văn bản thoả thuận được ký kết giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, Ngành; gần 500 hợp đồng đào tạo và sử dụng nhân lực đã được ký kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp với 10.000 cử nhân, kỹ sư được đào tạo theo địa chỉ.

4. Xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính của giáo dục và đào tạo 2008-2012, tiếp tục thực hiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay để học với quy mô lớn

Bộ GDĐT xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012.

Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án là đề xuất nguyên tắc xác định mức học phí ở các cấp học và trình độ đào tạo: học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương; học phí đối với đào tạo nghề nghiệp thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, học phí từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành tiến tới đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo.

Đề án đã đưa ra các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người học như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, học bổng chính sách và trợ cấp xã hội, vay vốn ưu đãi để đi học… đảm bảo không một ai có năng lực học tập phải bỏ học vì không có tiền đi học.

Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng đào tạo cho học sinh, sinh viên. Đã có 1, 21 triệu HSSV được vay vốn với tổng số tiền là 9.807 tỷ đồng.

5. Tổng kết công tác giáo dục dân tộc và xây dựng các đề án cho giai đoạn 2009-2020

Các đề án như phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các dân tộc đặc biệt ít người, Đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi nhằm chuẩn bị tiếng Việt cho con em dân tộc trước khi vào lớp 1 đã được xây dựng, triển khai.

6. Triển khai quyên góp hàng năm để mọi học sinh Việt Nam đi học đều đủ quần áo, sách giáo khoa và đồ dùng học tập

Tính đến ngày 07/01/2009, toàn ngành đã quyên góp được hơn 17 tỉ đồng, hơn 1 triệu sách giáo khoa, vở viết, gần nửa triệu chiếc quần áo, 15.000 đồ dùng học tập.

36 chương trình, trao học bổng Thắp sáng tương lai (trị giá 10 triệu đồng/suất) và quà, tiền hỗ trợ đã gửi đến cho 37 em HSSV vượt khó học tập.

7. Đột phá vào chất lượng đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo

Hơn 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập mới 23 trường đại học (22 trường tư thục, 1 trường công lập); nâng cấp lên đại học 55 trường (52 trường công lập, 3 trường tư thục).

Bộ GDĐT đã thành lập mới 23 trường cao đẳng (2 trường công lập, 21 trường tư thục) và nâng cấp 107 trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng. Việc thành lập mới và nâng cấp các trường đại học, cao đẳng 10 năm qua đã góp phần quan trọng đáp ứng về cơ bản yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Song song với việc thành lập các trường là tiếp tục phát triển hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng, đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng của hệ thống đào tạo.

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính

Năm học 2008-2009 là năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Viettel tài trợ miễn phí việc kết nối Internet băng thông rộng, thiết bị kết nối và thuê bao hằng tháng tới tất cả các trường phổ thông, mẫu giáo, mầm non, phòng GDĐT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục cộng đồng.

9. Tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII – 2008 và Đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam xếp thứ Nhì tại Đại hội Thể thao
Đông Nam Á lần thứ 14

10. Thành lập Đại học Việt Đức, tổ chức thành công Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39

Đoàn Việt Nam với 05 thí sinh dự thi đã xuất sắc đoạt 04 Huy chương Vàng và 01 Huy chương Đồng. IPhO 2008 là một trong những kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế có quy mô lớn nhất, cũng là kỳ thi mà các thí sinh Việt Nam đã giành được kết quả cao nhất kể từ trước đến nay.

11. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú với số lượng nhà giáo lớn nhất từ trước tới nay.

Ngày 17/11/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho 917 thầy cô giáo.

12. Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2008-2013) đã thành công tốt đẹp.

Theo Hiền Lê (VTC News)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *