Treo dán tranh Tết là một phong tục đã lưu truyền hơn ngàn năm ở Trung Quốc.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về niên đại ra đời của phong tục treo dán tranh Tết nhưng hiện nay rất khó khảo chứng. Tuy nhiên, có thể xác định, trong hơn 1.000 năm qua, phong tục treo dán tranh Tết đã cùng với dây pháo, câu đối Tết và buổi cơm tất niên đã góp phần làm tăng thêm không khí tươi vui, rộn ràng trong mỗi dịp đón mừng năm mới ở Trung Quốc.

 

So với tranh thủy mặc Trung Quốc được nhiều khách văn chương yêu thích, tranh Tết được giới bình dân yêu thích bởi đường nét thanh thoát, sinh động. Không chỉ thêm vào nhiều đề tài thần thoại, truyền thuyết được mọi người yêu thích mà về sau, tranh Tết còn kết hợp thêm phương pháp vẽ tranh của phương Tây.

Từ xa xưa, phong cách hội họa trên tranh Tết còn được truyền bá ra nước ngoài, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ ở Nhật Bản, hình thành nên phong cách hội họa Ukiyo-e trên đất nước Mặt trời mọc. Hiện nay, trong rất nhiều viện mỹ thuật, viện bảo tàng ở Nhật Bản vẫn còn trưng bày nhiều tác phẩm tranh Tết in khắc gỗ Đào Hoa Châu của Trung Quốc vào thời kỳ đầu.

Tranh Tết thường được in ấn trên giấy cao cấp Tuyên Thành, bề mặt giấy trắng sạch, đường nét tranh rõ đẹp.

 

Dương Liễu Thanh ở thành phố Thiên Tân, Đào Hoa Châu ở tỉnh Giang Tô, Duy Phường ở tỉnh Sơn Đông, Miên Trúc ở Tứ Xuyên, Võ Cường ở tỉnh Hà Bắc được xem là 5 trung tâm tranh Tết in khắc gỗ lớn nhất Trung Quốc. Trong đó, Đào Hoa Châu và Dương Liễu Thanh là hai trung tâm sản xuất tranh Tết được xem là tiêu biểu nhất, đã được người xưa nói gọn thành câu ‘Nam Đào Bắc Liễu’.

Hoa Khai Phú Quý là một trong những mẫu in tranh Tết Đào Hoa Châu hết sức đặc sắc. Bức tranh Hoa Khai Phú Quý lấy hình ảnh chiếc bình ngụ ý bình an, lấy hình ảnh hoa mẫu đơn ngụ ý giàu sang. Bên trong tranh còn có hình ảnh thạch lựu, ngụ ý con đàn cháu đống.

Nét đặc sắc của tranh Tết Đào Hoa Châu là mỗi bản khắc – một màu sắc. Một bức tranh Tết có bao nhiêu màu sắc thì cần đến bấy nhiêu bản khắc gỗ. Thông thường, người thợ sẽ dùng từ 5 đến vài chục bản khắc gỗ để in thành một bức tranh hoàn chỉnh. Những bản khắc gỗ khác nhau đã tạo ra bức tranh Tết Đào Hoa Châu có màu sắc rực rỡ và mang đậm nét văn hóa của địa phương. Mỗi bản khắc gỗ là một phần nhỏ của tác phẩm. Việc kết hợp hài hòa các chi tiết trong tranh qua nhiều lần in với những bản gỗ khác nhau là điều rất khó, không phải ai cũng có thể làm được. Nếu sơ suất hay bất cẩn sẽ dễ làm sai lệch vị trí của các họa tiết và như thế, hình ảnh và màu sắc của tranh sẽ chồng chéo lên nhau. Công việc làm tranh đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của nghệ nhân.

 

Người Trung Quốc xưa đã phát minh ra thuật in ấn, nhưng hiện nay rất khó tìm được chứng cứ về bản in bằng gỗ khắc sớm nhất. Khi nghiên cứu các bức tranh Tết Đào Hoa Châu, chúng ta có thể hiểu phần nào về kỹ thuật in ấn của người xưa với những bản khắc gỗ. Tranh Tết Đào Hoa Châu của thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã kế thừa công nghệ in ấn đời Tống. Chúng được gọi là ‘bản khắc Tô Châu’ và rất phổ biến trong một thời gian dài.

 

Do phong tục tập quán sinh hoạt và quan niệm thẩm mỹ của người thời nay đã thay đổi, tranh Tết in khắc gỗ Đào Hoa Châu truyền thống từng nổi tiếng một thời đã mất dần thị trường vốn có. Chỉ có một số nhà nghệ thuật hay người yêu thích tranh trong và ngoài nước tìm đến mua tranh vì sự nổi tiếng một thời của nó. Người dân thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô dường như không mấy ai quan tâm đến tranh Tết Đào Hoa Châu nữa vì thế, dù đã được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng số lượng tiêu thụ tranh rất kém.

Hồng Mẫn
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *