Tết Nguyên Đán là ngày lễ mà người Trung Hoa coi trọng nhất. Theo truyền thống, từ ngày 30 Tết đến ngày mùng 7, đi lễ hội mùa xuân, hay miếu hội, là một trong những hoạt động được người Trung Quốc yêu thích nhất trong ngày Tết.

Tục du xuân miếu hội của người Trung Quốc bắt nguồn từ những hoạt động cúng tế. Trong sách Lễ Ký đã ghi chép việc này rất cụ thể. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây hơn 2.000 năm, học trò tên Tử Cống của Khổng Tử đã tổ chức hoạt động cúng tế cảm ơn thần nông rất náo nhiệt, thu hút nhiều người tham gia.

Ngoài ra, cũng có ý kiến khác cho rằng, miếu hội có từ đời Đông Hán. Vào thời kỳ này, Phật giáo bắt đầu du nhập vào Trung Quốc và Đạo giáo cũng manh nha hình thành. Phật giáo và Đạo giáo phát triển ổn định vào thời kỳ Nam Bắc Triều, mạnh dần vào đời Đường Tống. Phật giáo và Đạo giáo thường tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo, xây dựng chùa miếu, đạo quán. Người xưa đã thêm vào nhiều hoạt động vui chơi giải trí như ca hát nhảy múa, biểu diễn kịch, diễu hành trên đường phố vào trong hoạt động cúng tế của Phật giáo và Đạo giáo.

Người dân Bắc Kinh nô nức đi miếu hội

 

Ban đầu, miếu hội bắt nguồn từ những hoạt động cúng tế của chùa miếu, đạo quán. Để thu hút càng nhiều người đến tham gia, các chùa miếu, đạo quán còn đưa thêm những màn biểu diễn nghệ thuật dân gian, các trò vui chơi giải trí bên cạnh nghi thức tôn giáo truyền thống. Từ một hoạt động tôn giáo, miếu hội dần trở thành một hoạt động giải trí mang tính tập thể của người dân Trung Quốc.

Vào thời Trung Quốc cổ đại, phương thức giao lưu chủ yếu giữa thành thị và nông thôn chính là những hoạt động miếu hội và các buổi chợ phiên. Địa điểm tổ chức hoạt động miếu hội đã dần trở thành trung tâm thương nghiệp và trung tâm vui chơi giải trí của địa phương. Căn cứ vào thời gian tiến hành hoạt động, miếu hội sẽ được chia ra thành nhiều loại như miếu hội định kỳ, miếu hội ngày lễ hay miếu hội du xuân. Miếu hội định kỳ có chủ đề chính là giao lưu hàng hóa và tổ chức hằng tuần, nhưng hiện nay rất ít thấy miếu hội định kỳ.

Phần lớn thời gian tổ chức miếu hội ngày lễ diễn ra vào ngày tưởng niệm các vị thần linh trong truyền thuyết. Hoạt động miếu hội loại này tập trung nhiều màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian đặc sắc. Thời gian diễn ra từ 1 đến 20 ngày.

Hoạt động miếu hội du xuân diễn ra vào dịp Tết nguyên đán hằng năm. Quy mô của nó rất lớn, khách du xuân vừa có cơ hội giao lưu trao đổi hàng hóa vừa có thể xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian vô cùng sôi nổi. Một trong những địa điểm thường tổ chức miếu hội lớn nhất ở Bắc Kinh là công viên Địa Đàn.

Miếu hội Địa Đàn là điểm du xuân thu hút người dân Bắc Kinh nhất

 

Vào thời cổ, Địa Đàn là nơi để các vua chúa phong kiến Trung Quốc đến cúng tế đất đai. Vì thế trước đây, đàn tế Địa Đàn là khu vực không cho phép người dân thường bước vào. Ngày nay, đàn tế Địa Đàn đã trở thành công viên công cộng, người đến tham quan tấp nập.
Ở miếu hội Địa Đàn khách có thể thưởng thức múa rồng, múa lân sư, múa cờ ngũ sắc, xem biểu diễn thuyền trên cạn, đi cà kheo thổi kẹo đường hay chơi con quay… cũng như tham gia nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc khác. Đi cà kheo là một trong những hoạt động biểu diễn chúc mừng truyền thống của Trung Quốc. Có người còn gọi môn cà kheo là biểu diễn trên cao.

Bắc Kinh từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động miếu hội lớn. Miếu hội ở Bắc Kinh không chỉ là du xuân ngày Tết mà bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động náo nhiệt khác. Địa điểm diễn ra miếu hội thường có các cửa hàng kinh doanh nhỏ, hàng hóa đa dạng về chủng loại, màu sắc rực rỡ. Dần về sau, miếu hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Bắc Kinh.

Dần theo sự phát triển của thời đại, nội dung và hình thức của miếu hội đã có sự thay đổi rất lớn nhưng tên gọi miếu hội vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, các hoạt động vui xuân, trẩy hội với quy mô lớn đều được gọi là miếu hội.

Miếu hội thu hút đông đảo người dân đi cúng bái cầu chúc bình an cho năm mới

 

Ngoài những miếu hội tổ chức theo phong tục truyền thống xa xưa, trong thành Bắc Kinh còn có nhiều địa điểm miếu hội náo nhiệt với các hoạt động mang màu sắc phương Tây như hội hoa đăng ở công viên Triều Dương, hội chợ hoa ở Xưởng Điện, khu vui chơi Thạch Cảnh Sơn. So với miếu hội Địa Đàn được tổ chức theo phong tục truyền thống đặc sắc xa xưa thì những nơi này tổ chức các hoạt động thường mang màu sắc phương Tây hiện đại, chủ đề rất mới mẻ.
Việc thắp hoa đăng bắt nguồn từ việc thờ cúng trong Phật giáo. Ngọn lửa hoa đăng tượng trưng cho ánh sáng của Phật cũng như thể hiện ước vọng về sự bình an, may mắn. Về sau, trong những dịp lễ, tết, mọi người cũng thắp hoa đăng để cầu phúc cho mình và những người thân trong gia đình.

Lễ hội hoa đăng trong Tết Nguyên tiêu và Tết Trung thu ở Trung Quốc đã có lịch sử rất lâu đời. Theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, ngày nay, ngọn lửa truyền thống đã được thay thế bởi nhiều bóng đèn nhiều màu sắc rực rỡ góp phần đưa không khí vui vẻ đạt đến đỉnh cao mới.

Đối với những thanh niên và trẻ em yêu thích không khí náo nhiệt sôi động thì miếu hội Thạch Cảnh Sơn chính là nơi được yêu thích nhất. Nơi đây được ví như là ‘lễ hội hóa trang Carnival của Trung Quốc’. Miếu hội Thạch Cảnh Sơn là một hình thức miếu hội theo phong cách phương Tây.

Ngày nay, miếu hội không chỉ là một hoạt động vui chơi tập thể thuần túy, mà nó còn mang những ý nghĩa mới. Không chi riêng người Trung Quốc thích đi miếu hội được tổ chức theo phong cách hiện đại mà miếu hội mang phong cách truyền thống Trung Quốc cũng đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách nước ngoài.

Miếu hội là một sân khấu lớn thể hiện truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của đất nước Trung Quốc – một đất nước có lịch sử lâu đời. Nó cũng thể hiện ước mơ về cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn của con người Trung Quốc.

Hồng Mẫn
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *