Bên bờ hạnh phúc

“Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần đưa quan hệ đối tác giữa hai châu lục lên một tầm cao mới, sống động, thực chất và hiệu quả”- trích giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm

Liên kết ngăn chặn khủng hoảng

Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Hội nghị ngoại trưởng Á – Âu lần thứ 8 (FMM 8) tại Hamburg, tháng 5/2007.

Sau thành công rực rỡ của Hội nghị Cấp cao lần thứ 5 Tiến trình Hợp tác Á -Âu (ASEM V) tháng 10/2004, Việt Nam lại được bạn bè quốc tế tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM9) tại Hà Nội từ 25-26/5/2009. Đây là hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất giữa Hội nghị cấp cao lần thứ 7 (năm 2006 tại Bắc Kinh, Trung Quốc) và lần thứ 8 (năm 2010 tại Brussel, Bỉ).

FMM9 được tổ chức tại Việt Nam khi quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu; vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, WTO, ASEAN, APEC… được thế giới coi trọng, đánh giá cao.

Nhìn lại chặng đường Việt Nam tham gia ASEM, chúng ta thấy quyết định tham gia ASEM là sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua quan hệ với các đối tác ASEM, chúng ta đã tranh thủ thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển đất nước. ASEM đã trở thành diễn đàn góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM V năm 2004 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam ổn định, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Trong 13 năm qua, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam được thể hiện trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Đó là với vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM từ năm 2000-2004, Việt Nam đã chủ động cùng các thành viên thúc đẩy hoạt động của ASEM trên cả hai khía cạnh đối thoại và hợp tác, kiên trì nguyên tắc đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, nhằm mở rộng điểm đồng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo bầu không khí ngày càng thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội – 2004. Đây là Hội nghị mang dấu ấn quan trọng đối với tiến trình ASEM với việc việc mở rộng ASEM từ 26 lên 39 thành viên, thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh”, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, văn hoá và mở ra một hướng mới sống động và thực chất hơn cho hợp tác ASEM.

Việt Nam là một trong những nước sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của Quỹ Tín thác ASEM. Đến nay, Việt Nam đã triển khai 21 dự án với tổng giá trị gần 13,35 triệu đô la, đã đưa ra nhiều sáng kiến về các lĩnh vực y tế, văn hoá, công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch và đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

FMM 9: Tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu chặt chẽ hơn

FMM 9 diễn ra vào thời điểm toàn thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính và những tác động về kinh tế, chính trị – xã hội của nó đang đặt ra cho ASEM những thách thức gay gắt. Do đó, một trong những nội dung quan trọng của FMM9 là chung tay góp sức với cộng đồng thế giới ứng phó với khủng hoảng; xác định rõ những thách thức mà ASEM đang đối mặt để có những giải pháp hữu hiệu đưa ASEM vượt qua khó khăn, tiếp tục có vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Với ý nghĩa đó, chúng ta đã xác định chủ đề của FMM9 là “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế – tài chính và các thách thức toàn cầu”, và được tất cả các nước thành viên ASEM đồng tình, ủng hộ.

Để biến các ý tưởng của FMM9 thành hiện thực và các kết quả cụ thể, các thành viên của ASEM đã nhất trí với đề xuất của Việt Nam về trọng tâm của Hội nghị gồm các vấn đề, như: Kiểm điểm, đánh giá việc triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEM 7 ở Bắc Kinh (10/2008), đưa những khuyến nghị, các biện pháp của ASEM nhằm tăng cường phối hợp, đối phó với khủng hoảng; Đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và trách nhiệm của ASEM tích cực tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh truyền nhiễm, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống khủng bố quốc tế, chống cướp biển, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…; Đề ra những định hướng phát triển của ASEM nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM 8 ở Brussel năm 2010, trong đó có vấn đề mở rộng thành viên mới…

FMM 9 là một trong những hoạt động đối ngoại lớn của Việt Nam trong năm 2009. Từ nhiều tháng nay, chúng ta đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, bảo đảm an ninh, lễ tân, hậu cần cho Hội nghị thành công.

Với phương châm xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện, ngoại giao đa phương luôn đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ ngoại giao song phương, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hợp tác ASEM và sẽ làm hết sức mình để góp phần đưa quan hệ đối tác giữa hai châu lục lên một tầm cao mới, sống động, thực chất và hiệu quả.

Theo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *