Bên bờ hạnh phúc

Tương Lai là con trai của nhà văn dân tộc tày nổi tiếng Hoàng Hạc.  Anh lớn lên trong những khúc hát Sli lượn, coọi… của mẹ và lời ngâm Khảm hải của cha. Hồn văn hóa dân gian Tày ngấm vào anh tự lúc nào.

Những năm đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ quyết liệt nhất, anh tâm sự với bạn bè: “Đánh Mỹ thắng lợi về học cũng chưa muộn”, thế rồi tình nguyện nhập ngũ. Bạn bè cựu chiến binh ở trung đoàn 174, sư đoàn 316 bây giờ gặp nhau vẫn nhắc đến Hoàng Tương Lai là người lính năng nổ, dũng cảm, hết lòng yêu thương đồng đội. Anh có mặt trong nhiều trận đánh lớn ở Cánh Đồng Chum năm 1972 -1974, Buôn Ma Thuột 3/1975 và vinh dự tham gia trận đánh giải phóng Sài Gòn 4/1975. Đến 3/1976 anh phục viên, là thương binh 4/4 và tấm huy chương Kháng chiến hạng nhì. Nhưng anh ít nói về mình, bởi còn bao đồng đội vĩnh viễn không trở về, còn nhiều đồng đội bị thương nặng hơn, nhiều người lính lập được những chiến công to lớn hơn, góp phần không nhỏ vào thắng lợi to lớn của dân tộc.

Hoàng Tương Lai, người cựu chiến binh có tài hát điệu sli…

Do cách sống luôn trung thực, thẳng thắn, gương mẫu và khiêm nhường như khi còn trong quân ngũ, nên từ năm 1976 đến nay, anh lần lượt được bà con tín nhiệm bầu đảm nhiệm những chức vụ: Bí thư Đoàn Thanh niên xã, chủ nhiệm hợp tác xã, bốn khóa liên tục là ủy viên ban chấp hành huyện ủy huyện Yên Bình và từ tháng 10/1988 đến nay là bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai.

Nếu như trong công tác anh là một cán bộ mẫu mực, là trung tâm mối đoàn kết của Đảng bộ và bà con nhân dân các dân tộc trong xã thì việc nhà, anh là một người chồng thủy chung, người cha đảm đang, gương mẫu. Vợ anh không may bị mắc bệnh suy tim độ 4, 8 năm trời anh vừa lo việc của xã hội, vừa lo việc gia đình. 

Anh chăm lo cho vợ và nuôi dạy 5 con nhỏ nên người. Năm 2005, khi chị qua đời, gánh nặng gia đình trút trọn xuống vai anh. Nhưng anh lại kiên cường vượt lên, như người lính trên chiến trường năm xưa. Chỉ khi một mình bên di ảnh vợ, anh mới để cho nước mắt thấm trên những trang thơ tình nghĩa: “… Anh dậy thắp từng nén hương trước ảnh/ Vặn đèn lên anh nấc gọi mình ơi!/ Đặt bát cơm mà sao đũa cứ rơi/ Cơm canh nóng hãy cố ăn mình nhé/ Chẳng đợi con về anh đưa trước em ăn/ Món rau này anh hái trong vườn/ Vườn ngày trước em bắt sâu nhổ cỏ/ Luống hành, vườn cà, đám rau thơm còn đó/ Giàn trầu thơm từng đốt lá rụng rơi/ Các cháu hàng ngày nhớ em sang chơi/ Các cháu nhỏ nơi em ngồi cao quá…” – (Khóc vợ – Hoàng Tương Lai).

Là hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên bái, hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, anh tiếp bước sự nghiệp của người cha, mỗi trang anh viết đều thấm được cái hồn văn hóa dân gian Tày. Năm 2000, tập hồi ký Những ngày ở Cánh Đồng Chum của anh được Hội nhà văn Việt Nam và Hội hữu nghị Việt – Lào trao giải khuyến khích. Năm 2005 tiết mục hát Khảm hải của anh được trao huy chương vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc. Năm 2007 anh được trao giải B trong liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc lần 2; giải nhì hát then trong liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc. Anh còn được trao nhiều giải thưởng của về văn học của tỉnh.

Công việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Tày của cha anh còn dở dang nay đã có truyền nhân xứng đáng. Anh đã dồn bao tâm sức hoàn chỉnh cuốn sách về  hát “pựt” của dân tộc Tày do cha anh để lại Tàng mừa pía lệ đẳm (đường lên dâng lễ tổ). Cuốn sách này đã được Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải B (không có giải A). Anh sắp cho xuất bản cuốn: Hát quan làng, đưa dâu TàySông Chảy những nét hoa văn, viết về những tinh hoa văn hóa dân tộc mình. Anh cũng sưu tầm và dịch gần hoàn chỉnh gần 500 bài hát giao duyên, hát “coọi”, “phong slư” Tày.

Mỗi khi nói về văn hóa dân gian Tày, đôi mắt Hoàng Tương Lai lại sáng lên ngọn lửa tình yêu. Anh tâm sự: “Còn nhiều việc phải làm quá, nhưng quĩ thời gian có hạn. Thời gian tới sẽ cố gắng sưu tầm, hoàn chỉnh những bài hát cổ truyền của dân tộc Tày và mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ”. Rồi anh ôm đàn tính hát câu dân ca Tày, lời hát bập bùng như ngọn lửa: “Còn trẻ chẳng học coọi/ Ít tuổi chẳng học chữ/ Ngày chết lên thiên đình mới học/ Cởi quần mặc váy mốc thay em…”. Anh bảo, nếu không biết quý trọng nâng niu tinh hoa văn hóa của dân tộc, không đắm mình trong tinh hoa văn hóa dân tộc, có khác nào cây xanh thiếu đi mảnh đất tươi tốt và mạch nước nguồn thơm mát…

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *