Phát động phong trào vì người nghèo, Thủ tướng muốn ‘Không ai bị bỏ lại sau’
17/10/2016Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung cao hơn cho lõi nghèo…
Sáng 15/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hoan nghênh tinh thần của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, sau khi dự Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về địa phương, đã tham dự Hội nghị về công tác giảm nghèo, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến xóa đói giảm nghèo. Vì thế, công tác này ở Việt Nam có bước tiến căn bản, tạo ấn tượng mạnh mẽ với quốc tế.
Năm năm qua, tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 (theo chuẩn nghèo 2011-2015, còn theo chuẩn nghèo đa chiều là 9,92%). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011.
“Nhiều huyện mà tôi biết đã làm đơn tự nguyện xin ra khỏi Chương trình 30a. Nhiều hộ nghèo không nhận kinh phí từ quỹ người nghèo, tự lo sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói về tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, người dân đã đóng góp tích cực vào kết quả xóa đói giảm nghèo thời gian qua, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế như UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc), WB (Ngân hàng Thế giới) đối với công tác này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những thách thức, hạn chế chủ yếu cần khắc phục. Đó là kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỉ lệ tái nghèo còn cao. Cả nước có đến 41 huyện có tỉ lệ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo, chưa vận dụng một cách phù hợp. Chính sách về giảm nghèo còn chồng chéo.
“Nhất là việc xác nhận hộ nghèo còn chưa chính xác, còn tình trạng xác nhận nghèo luân phiên ở một số địa phương. Cũng có nơi ‘kê khai nhầm chỗ’, cán bộ có thu nhập mà lại kê khai là nghèo”, Thủ tướng nêu rõ. Còn có tình trạng thu quá mức đối với người nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó đã nêu rõ mục tiêu trong giai đoạn 2016- 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm với nhiệm vụ đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Tôi mong các địa phương nhận thức rõ hơn vấn đề này, khuyến khích họ, tôn vinh họ là rất quan trọng, chứ không phải cho mãi”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá” để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Yêu cầu thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng cho rằng, điều này đòi hỏi phải đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, nhất là người nghèo.
“Với tinh thần quyết tâm như vậy, hôm nay, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, tôi chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: 'Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau', Thủ tướng phát biểu và đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Tự lực, tự cường chứ không chỉ hỗ trợ
Theo đó, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua khen thưởng từ Trung ương đến địa phương cần theo dõi, hỗ trợ, phối hợp để đưa phong trào thi đua đi vào cuộc sống.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tiêu chí, yêu cầu, nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.
Thủ tướng chỉ rõ, tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo, quan tâm đến người nghèo, tuyên truyền nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân, địa phương. Đây là 2 vấn đề đi liền với nhau, chứ không chỉ hỗ trợ. Bên cạnh đó, tuyên truyền về tinh thần lao động, sáng tạo, cần cù, để giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
“Việc xây dựng, thực hiện phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau' là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền, vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua này với nhiều hình thức như phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan truyền thông trong cả nước tổ chức, phát động cuộc thi viết về các địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình nổi bật trong giảm nghèo bền vững, những gương điển hình, kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo.
Thủ tướng cũng cho rằng gốc của vấn đề là nâng cao dân trí, năng lực cho người dân để thoát nghèo bền vững, chứ không chỉ lo cái ăn, cái mặc trước mắt.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và dành nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo. Cần đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức. Thủ tướng nhấn mạnh, dù làm dự án gì cũng phải tính đến môi trường, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, dẫn đến tái nghèo.
Củng cố hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp tỉnh theo Nghị quyết 100/2015 của Quốc hội với tinh thần hiệu quả, thiết thực, không làm tăng biên chế.
Huy động mọi nguồn lực xã hội cho chương trình như từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, vốn ODA, vận động quần chúng, tổ chức, đoàn thể. “Hôm nay chúng ta nhắn tin ủng hộ ở đây mà nếu các tỉnh tiếp tục phát động được khoảng 1/3 số dân ở Việt Nam tham gia chương trình nhắn tin này thì số tiền sẽ là bao nhiêu? Đông tay vỗ nên kêu, vì người nghèo vừa là lương tâm vừa là trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát các tiêu chí về giảm nghèo đa chiều như tiêu chí y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
“Chúng ta hãy vận động nhân dân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp tục phát huy trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp để xây dựng ngày càng nhiều quỹ vì người nghèo, hỗ trợ, đỡ đầu các huyện nghèo, xã nghèo, các bản, làng đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo”, Thủ tướng bày tỏ.
Nhân "Ngày Quốc tế chống đói nghèo" và cũng là ngày "Vì người nghèo" Việt Nam 17/10, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt cuộc thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung cao hơn cho lõi nghèo, đó là đồng bào dân tộc, vùng cao, vùng xa, vùng bãi ngang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia
của UNDP tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Louise Chamberlain đánh giá cao Chương trình, hoan nghênh những điểm mới và sáng tạo trong thiết kế Chương trình như tăng cường phân cấp, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình thực hiện và quản lý Chương trình, thúc đẩy trao quyền thực sự cho người nghèo và cộng đồng nghèo; huy động sức mạnh của họ – không tạo điều kiện cho sự ỷ lại – và khuyến khích tinh thần tự lực của người dân nhằm xóa nghèo bền vững.
“UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên con đường thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, bà Louise Chamberlain nói. “Cũng như ngài Thủ tướng đã phát biểu, một Chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân’ sẽ giúp Việt Nam chứng minh với thế giới rằng sự thịnh vượng cho tất cả – và tương lai bền vững cho mọi người và cả hành tinh của chúng ta – không chỉ là khẩu hiệu, mà là một thực tế”.
Nguồn: Đức Tuân ( Chinhphu.vn )